"Cò" lao động hoành hành mùa cao điểm thu hoạch cà phê
Còn hơn nửa tháng nữa mùa cao điểm thu hoạch cà phê mới bắt đầu, nhưng ngay từ bây giờ, nhiều chủ vườn tại khu vực Tây Nguyên đang lo lắng vì khan hiếm nhân công thu hái. Nắm được nhu cầu đó, nhiều cò lao động mùa vụ thỏa sức hoành hành.
Tăng tiền công vẫn khó tìm người
Bà Nguyễn Thị Doan (Buôn Hồ, Đắk Lắk) có 10 ha cà phê chuẩn bị thu hoạch. Những ngày qua, dù chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhưng bà mới tìm được 3 người hái cà phê cho vụ mới. Bà thở dài " Mỗi năm tôi cần 15 - 20 nhân công lao động mùa vụ. Năm nay dù trả 180.000- 200.000 đồng/người/ngày, bao ăn ở nhưng cũng mới chỉ tìm được 3 người. Còn hơn 10 người giờ không biết tìm đâu. Nay đến lúc cao điểm còn chưa đến 2 tuần nữa, không biết có tìm được không"
Thu hoạch cà phê tại Lâm Đồng
Tương tự, ông Trần Văn Bảy, ở huyện Krông Năng có 7ha cà phê sắp thu hoạch cũng đỏ mắt tìm nhân công nhưng chưa được. Chỉ những cây cà phê chín sớm rụng đầy gốc, ông lo lắng "Tôi huy động con cháu thu hái sớm những cây chín, nhưng vài bữa nữa bước vào vụ không biết sao."
May mắn hơn, anh Điểu Năng, Chư Pông - Gia Lai đã kiếm đủ nhân công thu hoạch 10ha cà phê của mình. Anh cho biết, mình hợp đồng với nhân công từ mùa vụ trước. Họ đến làm mình trả công cao hơn, còn thưởng thêm kha khá, cho tiền tàu xe nên năm nào họ cũng lên làm cho mình. Cũng đỡ mất công đi tìm.
Theo nhiều chủ vườn, nếu không tìm đủ nhân công thu hái thì chất lượng cà phê sẽ bị giảm sút rõ rệt. Vì ngoài chuyện trái quá chín bị rụng nảy mầm thì cà phê thu hoạch tới đâu phải phơi và trông coi cẩn thận, nhưng do thiếu người nên việc phơi phóng không bảo đảm.
"Cò" lao động tung hoành
Thiếu nhân công, nhiều chủ vườn bất đắc dĩ phải tìm tới cò lao động. Có cung ắt có cầu, lực lượng này thỏa sức tung hoành. Tại 1 điểm mô giới việc làm trên đường Trần Phú (Bảo Lộc), PV vào vai một chủ vườn đi tìm nhân công hái cà phê, người đàn ông phụ trách tuyển lao động nói dứt khoát "300.000 đồng/người, không bớt nhé. Thanh niên khỏe, vác được, có chứng minh nhân dân đầy đủ.Tiền công theo giá làng."
Thấy chúng tôi băn khoăn, người đàn ông tuyên bố "Không được thì thôi. Giờ tôi còn không đủ người để cung ứng. Hơi đâu mà nghe mấy người trả giá. Tự về hái một mình đi".Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các điểm mô giới lao động hái cà phê mùa vụ đều tuyển người từ các tỉnh miền tây, miền trung. Sau khi tìm được chủ vườn, họ sẽ gọi điện cho người lao động lên, đưa đến vườn, lấy tiền mô giới và...hết trách nhiệm. Điều này nảy sinh khá nhiều tiêu cực và những hệ lụy khó lường.
Anh Đinh Văn Tâm (Di Linh - Lâm Đồng) cho biết, mùa vụ năm ngoái, anh chấp nhận trả 500.000 đồng/người để nhờ cò kiếm dùm 4 lao động. "Ai dè mới hái được 2 bữa họ rủ nhau bỏ về hết vì "việc nặng quá". Gọi lại cho cò thì anh ta nói " Tui giao người cho ông rồi, ông làm sao người ta bỏ đi giờ ông bắt tui đền bù sao được".
Thế là đành mất trắng 2 triệu đồng, còn ôm cục tức vào người nữa chứ.
Bà Vân ở xã Tân Lạc (Bảo Lâm) còn "đen đủi" hơn. Bà bức xúc: "Bỏ 1 triệu kiếm 2 người hái. Vừa dẫn vào chòi, nó bảo đi rửa tay tắm rửa rồi lủi đâu mất. Cũng may nó chưa chôm chỉa cái gì". Bà cho rằng trung tâm mô giới này chỉ có vài người, và luôn sử dụng "chiêu" này để đi kiếm chác mùa cao điểm thu hoạch cà phê.
Những năm gần đây, việc lao động hái cà phê trộm cắp, thậm chí sát hại chủ vườn để cướp tài sản xảy ra khá phổ biến. Do đó, các cơ quan chức năng lưu ý chủ vườn khi tuyển lao động nên đề cao cảnh giác để hạn chế kẻ gian trà trộn. Cần tìm đến những trung tâm mô giới việc làm uy tín, khi thuê lao động cần tìm hiểu rõ lý lịch, nhân thân cũng như nhất định phải có giấy chứng minh nhân dân để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro.
Ông Lê Hạnh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Gia Lai, cho biết: Thời gian qua, nhu cầu lao động thời vụ trên địa bàn tỉnh rất lớn, song những lao động thời vụ lại ngại đến Trung tâm. Chủ vườn nào có nhu cầu thuê nhân công thì tìm đến “chợ lao động” ở huyện Mang Yang, Chư Prông và ngã ba La Sơn (gần dốc Hàm Rồng, TP. Pleiku).
Nhưng “chợ lao động” chỉ thuê được ít người vì vào thời điểm chính vụ họ cũng ở nhà đi làm. Nhiều chủ vườn đành chấp nhận trả phần trăm cho “cò” tìm kiếm lao động để có người thu hoạch cà phê và hồ tiêu. Hơn nữa, do lao động phổ thông chỉ làm thời vụ nên chủ vườn không ký hợp đồng với họ. Vì thế, tình trạng khan hiếm nhân công sẽ vẫn còn tiếp diễn trong những năm tới nếu các chủ vườn không chủ động được nguồn cung lao động.
Nhóm PV
theo http://chuyennhanong.vn/co-lao-dong-tung-hoanh-mua-cao-diem-thhu-hoach-ca-phe
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét