Our Blog

“Lên đời” cho cà phê Arabica

“Lên đời” cho cà phê Arabica


Bằng phương pháp nuôi chồn hương để sản xuất cà phê Arabica, cà phê của gia đình ông Vy Văn Thông (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) có hiệu quả kinh tế rất cao và còn xuất khẩu ra nước ngoài.

arabica coffee
arabica coffee


Từ nguyên liệu cà phê Arabica như bao nhà vườn khác, gia đình ông Vy Văn Thông (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã “lên đời” sản phẩm bằng phương pháp nuôi chồn hương để sản xuất cà phê hảo hạng. Cùng với hiệu quả kinh tế tăng gấp hàng chục lần so với cà phê thông thường, sản phẩm của ông còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

“Rình rập” chồn hương

Đó là cách nói ví von khi chia sẻ bí quyết để sản xuất cà phê chồn chất lượng cao của ông Vy Văn Thông – từng là một cán bộ chuyên ngành thú y của huyện Đức Trọng. Câu chuyện về sản xuất cà phê chồn của gia đình ông Thông khá bất ngờ khi bắt nguồn từ gợi ý của cô con gái – Vy Thị Mai Anh.



Vốn được đi nhiều nơi; trong đó có cả những chuyến công tác nước ngoài, Mai Anh được thử những ly cà phê chồn thượng hạng ở xứ người. Tuy nhiên giá của những ly cà phê này cũng rất… trên trời. Vậy là cô gái trẻ về nhà gợi ý cho bố: “Nhà mình có trang trại cà phê, bố cũng biết nuôi chồn vậy sao không làm cà phê chồn hương?”.

Ý tưởng loé lên. Ông Thông cùng vợ - bà Vũ Thị Oanh, bắt đầu tìm hiểu phương pháp sản xuất cà phê chồn. Nhưng chuyện không đơn giản như họ nghĩ. Những mẻ cà phê chín đỏ đầu tiên đem về, đàn chồn hơn 20 con ăn không được bao nhiêu. Nghĩ do trái cà phê chưa đủ độ chín, vợ chồng ông Thông đổi những mẻ nguyên liệu mới nhưng kết quả không khá hơn.

arabica coffee
arabica coffee

Thắc mắc không biết hỏi ai. Ông Thông đành một mình lặn lội vào rừng, mật phục ở vườn cà phê của gia đình để xem chồn rừng ăn uống thế nào. Sau một thời gian, ông phát hiện chồn không ăn tất cả những trái cà phê trong vườn mà chúng lựa chọn một vài cây chín đỏ rồi… ăn sạch chỉ chừa lại cành.
“Thấy lạ tôi lấy một vài trái mà con chồn bỏ lại nếm thử thì thấy rất ngọt, hơn hẳn những trái ở cây khác. Sau đó tôi bắt chước tìm hái những trái cà phê ngọt đem về cho đàn chồn nhà ăn thử, kết quả là chúng ăn hết sạch” – ông Thông chia sẻ.

Để thuận tiện cho việc thu hái cà phê tươi về cho chồn ăn. Con gái ông Thông cũng mua cả thiết bị đo độ đường từ nước ngoài về để cho bố “test” lượng đường của trái cà phê. Đồng thời, ông Thông cũng tìm hiểu phương pháp canh tác hữu cơ, sản xuất sạch, kỹ thuật canh tác nhằm tăng hàm lượng đường cho vườn cà phê của gia đình.

Cứ đến vụ cà phê ông đi thu hái nguyên liệu, mùa nhàn rỗi, ông lại tận dụng kinh nghiệm bác sỹ thú y của mình để nhân giống bầy chồn hương tại nhà.

Cà phê chồn xuất ngoại

Nhà riêng của gia đình ông Thông hiện đã trở thành cơ sở sản xuất cà phê chồn. Hai vợ chồng ông bà có nhiệm vụ sản xuất nguyên liệu thô, sau đó chuyển về cho cơ sở rang xay tại Thành phố Hồ Chí Minh – nơi con gái Kim Anh phụ trách. Đồng thời đây cũng là điểm cung cấp, trưng bày các loại sản phẩm cà phê với tên gọi thương mại “Jin cafe”.

Để cung cấp nguồn nguyên liệu cho cơ sở, toàn bộ trang trại rộng hơn 3 ha nằm trong vùng đất màu mỡ của xã Phú Hội được trồng duy nhất giống cà phê Moka (một trong hai loại của dòng cà phê Arabica – còn gọi là cà phê chè), mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn.

Tuy nhiên, sản xuất được cà phê chồn không dễ dàng nên mỗi năm cơ sở Jin cafe chỉ thu được khoảng 3,5 tạ nguyên liệu thô.

Bà Oanh chia sẻ: “Chúng tôi chọn những cây cà phê cho độ đường cao và không ép chồn ăn nhiều nên sản lượng cũng rất hạn chế. Số cà phê còn lại chúng tôi làm sản phẩm cà phê sạch, bán lại cho các đối tác”.

Hiện nay, khu nuôi nhốt chồn có hơn 100 con và đang được nhân giống trong khoảng thời gian chưa vào mùa thu hoạch cà phê. Đến vụ mùa, chồn được cho ăn cà phê tươi. Sau khoảng 2,5 giờ sẽ thải ra nhân cà phê. Lúc này nhân công bắt đầu thu gom, rửa sạch và đưa vào ủ ướt. Sau đó, nhân cà phê được đem đi sấy khô trước khi chuyển về cơ sở để tách vỏ xô và rang xay thành phẩm.

“Cứ mỗi con chồn ăn khoảng 500gr trái cà phê tươi sẽ cho ra 1gr nhân nguyên liệu chứ không nhiều như mọi người nghĩ. Nếu cho chồn ăn quá nhiều cũng không tốt do hạt cà phê chưa thấm được chất enzym trong dạ dày chồn – mấu chốt để cho ra sản phẩm cà phê chồn thượng hạng” – ông Thông cho hay.

Để cung cấp sản phẩm theo yêu cầu và khẩu vị của khách hàng. Cơ sở Jin cafe còn chủ động rang xay cà phê với nhiều “cấp độ” khác nhau. Chẳng hạn như kỹ thuật rang cho cà phê có vị đắng nhiều, đắng nhẹ, chua thanh hoặc hơi chát, đặc biệt đối với những sản phẩm cà phê chồn thượng hạng (gồm cà phê thành phẩm, cà phê nguyên liệu).

Hiện nay giá bán trung bình của các sản phẩm cà phê chồn vào khoảng 10 triệu đồng/kg, hoặc 200.000 đồng/hộp đóng gói sẵn (gồm 5 ly cà phê phin túi lọc). Ngoài ra cơ sở còn cung cấp các sản phẩm cà phê khác như cà phê nhân hạt Arabica, cà phê phin túi lọc, cà phê rang xay.



Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, Jin cafe còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia… Tuy chưa trở thành một công ty lớn nhưng với cách làm tuân thủ nguyên tắc an toàn, sản phẩm sạch từ khâu sản xuất đến chế biến, cơ sở Jin cafe đã tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm cà phê Arabica. Đồng thời còn góp phần quảng bá thương hiệu cho vùng nguyên liệu cà phê Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng.



Nguồn: Nguyễn Dũng/Bnews/TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà Phê Tây Nguyên Designed by Templateism | MyBloggerLab Copyright © 2014

Hình ảnh chủ đề của richcano. Được tạo bởi Blogger.