CÀ PHÊ VIỆT: XUẤT KHẨU NHIỀU, GIÁ TRỊ CHẲNG BAO NHIÊU
6 tháng đầu năm nay, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 906 ngàn tấn. Mặc dù lượng xuất tăng gần gấp rưỡi năm ngoái (648 ngàn tấn), nhưng do giá thấp nên giá trị thu về không tương ứng, chỉ đạt 1,56 tỷ USD (so với mức 1,34 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái).
Cà phê nhân xuất khẩu của doanh nghiệp tại Bảo Lộc – Lâm Đồng. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một khảo sát mới đây của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc VCCI về các doanh nghiệp cà phê cho thấy, năng lực công nghệ của doanh nghiệp cà phê VN hiện cũng bị xem là lạc hậu hơn các nước xuất khẩu cà phê trên thế giới. 63% doanh nghiệp đánh giá trình độ công nghệ là thấp hơn, chỉ có 38% doanh nghiệp tự đánh giá là có trình độ công nghệ hiện đại ngang bằng so với thế giới.
Khó đổi mới công nghệ vì thiếu vốn
Như vậy có thể thấy rằng, tiếng là nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, công nghệ sản xuất cà phê của VN lại lạc hậu và cần phải được nâng cao hơn nữa để làm tăng chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Thực ra không phải doanh nghiệp không nhận thấy điều này, cũng trong khảo sát của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc VCCI, 100% doanh nghiệp đều có nhu cầu đầu tư cho công nghệ. Tuy nhiên, do những khó khăn về vốn (78% doanh nghiệp được hỏi cho rằng gặp khó khăn về vốn khi đổi mới công nghệ) nên các nhu cầu đầu tư cũng khác nhau, 40% doanh nghiệp cho nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ sẵn có và 60% doanh nghiệp có nhu cầu thay mới công nghệ.
Như vậy, việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp cà phê gặp khó khăn chủ yếu xuất phát từ thiếu vốn. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn do những điều kiện ràng buộc như tài sản thế chấp, thủ tục cho vay… Những vấn đề khác như thủ tục chuyển giao công nghệ, nguồn nhân lực không phải là những cản trở lớn đối với doanh nghiệp ngành cà phê.
Tuy là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa bao giờ ở mức cao do sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, là loại cà phê chưa qua chế biến.
Liên kết DN – nhà cung cấp lỏng lẻo
Khảo sát này cũng cho thấy rằng 100% các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu thô từ địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc mua bán này hầu hết lại không được doanh nghiệp ký kết hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp. Đối với nhà cung cấp trong nước, 90% doanh nghiệp thu mua không ký hợp đồng, chỉ 10% doanh nghiệp được hỏi là ký hợp đồng. Như vậy, rõ ràng tính liên kết giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp nguyên liệu không chặt chẽ, gây ra tính bấp bênh cho nhà cung cấp đặc biệt là các hộ gia đình trồng cà phê.
Với doanh nghiệp nước ngoài cũng vậy, 100% doanh nghiệp đều không ký hợp đồng dài hạn, do vậy không có tiêu chuẩn về chất lượng, nên doanh nghiệp trong nước không có những yêu cầu về chất lượng đối với hộ trồng cà phê. Đây là nguyên nhân giải thích vì sao sản lượng XK cà phê của VN rất lớn những chất lượng lại thấp.
Ngoài ra, thực trạng tất cả các doanh nghiệp đều bán cho các trung gian thương mại trong nước mà không ký trực tiếp với các nhà nhập khẩu quốc tế cho thấy năng lực của các doanh nghiệp cà phê Việt còn rất hạn chế, chưa ký kết hợp tác trực tiếp với các nhà rang xay lớn. Việc bán hàng thông qua trung gian sẽ làm giảm lợi nhuận cũng như sự ổn định trong tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp.
Như vậy, rõ ràng tính liên kết giữa doanh nghiệp với nhà cung cấp nguyên liệu thô, đầu vào trung gian còn lỏng lẻo, chưa được hợp thức hóa bằng các hợp đồng dẫn đến tình trạng bấp bênh, bị ép giá tác động xấu đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tình hình xuất khẩu chung của ngành cà phê Việt.
Quốc Anh
DĐDN
http://enternews.vn/ca-phe-viet-xk-nhieu-gia-tri-chang-bao-nhieu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét