Lạc giữa ma trận cà phê trộn
“Cà phê không có cà phê” đang là vấn đề gây sốc cho những khách hàng thường xuyên của những cốc cà phê giá rẻ; đồng thời nó cũng khiến cho những người bán cà phê đường phố lao đao giữa ma trận của các loại cà phê bẩn, độc, trộn
Cà phê đường phố từ lâu đã trở thành một thói quen không thể thiếu của người dân các thành phố lớn. Tuy nhiên, báo cáo về khảo sát chất lượng cà phê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong 3 tháng 5, 6 và 7-2016 tại các địa bàn Hà Nội, Lâm Đồng, TP HCM, Sóc Trăng và Bình Dương tổng cộng 9 mẫu không có caffeine. Trong đó tại đợt khảo sát mới nhất trong tháng 6 và 7, có gần một nửa (47,54%) các mẫu cà phê lấy từ địa điểm các quán nhỏ, cà phê cóc, xe đẩy, vỉa hè, căng tin bệnh viện có hàm lượng caffeine rất thấp. Con số này cho thấy thực trạng cà phê bẩn trộn tạp chất độc hại đang là vấn đề nhức nhối.
Cà phê bệt Sài Gòn: 10.000 đồng + 2 phút = cà phê trộn
Người Sài Gòn không ai không biết đến cà phê bệt, nơi người ta có thể ngồi nhâm nhi một ly cà phê sữa đá đặc trưng tại các vỉa hè với giá từ 10.000-12.000 đồng. Gần đây lại xuất hiện thêm loại hình cà phê mang đi (take away, to go) rồi thì cà phê dạo, xe đẩy - người bán chỉ cần một chiếc xe máy hoặc xe đạp với một thùng đá giữ lạnh, cà phê đen được pha sẵn trong bình lớn rồi chiết ra ly nhựa nhỏ, thêm đường hoặc sữa, đánh tạo bọt, cho đá vào, tất cả công đoạn chỉ mất chừng 2 phút.
Đánh vào tâm lý ham rẻ của đa phần khách hàng, cà phê đường phố ngày càng mọc lên như nấm. Chỉ trên dưới 10.000 đồng là người mua đã có ngay một ly cà phê đậm đà, thơm ngon và rẻ hơn trong các tiệm sang trọng giá từ 35.000-50.000 đồng. Tuy nhiên, trong ly cà phê 10.000 đồng ấy có cà phê hay không thì khó mà biết được.
Liệu những ly cà phê mua bên lề đường của các bác thợ này có cà phê? Ảnh: B.Thanh
Cà phê mà không có cà phê, vậy cái mà họ đang bán ra và người mua đang uống là gì? Bột bắp, bột đậu nành được rang cháy rồi tẩm ướp với chất làm đặc, chất tạo bọt, bột caramel, bơ công nghiệp, kí ninh...? Tỉ lệ pha trộn thế nào, có bảo đảm đúng hàm lượng quy định an toàn thực phẩm không, việc đóng gói có bảo đảm vệ sinh hay không... đều rất mơ hồ và không hề được minh bạch.
Độc, bẩn, trộn: khi người bán cũng là nạn nhân
Theo báo cáo về ngành cà phê Việt Nam do Bộ Nông nghiệp Mỹ, niên vụ 2015/2016, tiêu thụ cà phê rang xay nội địa tại Việt Nam ước đạt 2,25 triệu bao (135 triệu kg). Nếu tính bình quân theo chuẩn ly cà phê thế giới thì 1 ly cà phê pha chế mất 8 g cà phê nguyên liệu, vậy trung bình trong vòng 1 năm, người Việt Nam có thể tiêu thụ hơn 16,8 tỉ ly cà phê. Liệu trong 16,8 tỉ ly cà phê ấy, có bao nhiêu ly được làm từ cà phê nguyên chất?
Có thể thấy nạn nhân đầu tiên của vấn nạn cà phê độc, bẩn, trộn không ai khác chính là người tiêu dùng. Họ là người trực tiếp uống vào loại cà phê bẩn mỗi ngày. Tuy nhiên, ngay cả người bán, trong trường hợp này là những chủ quán cà phê vỉa hè, chủ quầy cà phê mang đi hay chủ xe cà phê dạo, cà phê căng tin... cũng có thể là nạn nhân của các cơ sở sản xuất cà phê giả.
Nếu làm một phép tính đơn giản như sau: một ký cà phê nguyên liệu có giá ít nhất từ 40.000-50.000 đồng, thêm công đoạn sấy, đóng gói, bao bì, nhãn mác, vận chuyển, nhân công thì một kg cà phê bột sẽ phải có giá từ 100.000-150.000 đồng, tùy loại. Nhưng hiện nay có rất nhiều cơ sở và đại lý cà phê chào giá sản phẩm cà phê bột chỉ với giá 50.000-60.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn thấp hơn.
Người bán không phải là người trực tiếp sản xuất cà phê nên họ cũng chỉ nhìn vào bao bì, nhãn mác để nhập hàng. Hầu hết trên bao bì các loại cà phê bẩn, độc, trộn đều có những câu slogan bảo đảm sản phẩm của mình là cà phê nguyên chất nhưng hàm lượng cà phê bao nhiêu thì không hề được minh bạch rõ ràng, nguồn gốc của các chất phụ gia trộn vào cà phê cũng bị giấu nhẹm.
Hiện có vài quán cà phê nhỏ với tủ trưng bày các loại cà phê hạt cùng máy xay ngay tại chỗ phần nào xây dựng niềm tin của khách hàng. Tuy nhiên, không phải chủ tiệm cà phê nhỏ lẻ nào cũng có đủ điều kiện để sắm máy xay, nhất là với cà phê cóc hay cà phê dạo. Như vậy, về cơ bản vẫn cần những phối hợp đồng bộ từ các ban, ngành trong việc kiểm tra, ngăn chặn các cơ sở sản xuất cà phê bẩn, yêu cầu họ phải minh bạch thành phần, đồng thời nâng cao ý thức và kiến thức của cả người bán cà phê lẫn người uống cà phê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét