Our Blog

Lâm Đồng: “Cà phê PPP” không chỉ tăng năng suất

Lâm Đồng: “Cà phê PPP” không chỉ tăng năng suất



Chương trình hợp tác công – tư (public- private partner, viết tắt là PPP) đã qua 4 năm phát triển cà phê bền vững ở Lâm Đồng. Kết quả không chỉ tăng năng suất và thu nhập, mà còn tạo cơ hội mới cho người sản xuất tham gia vào các mô hình hợp tác lâu dài.

12 nhóm “cà phê PPP”

Một cuộc họp mới đây giữa Công ty Nestle, Điều phối viên và 12 nhóm trưởng thực hiện Chương trình PPP tại các huyện Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc, đã đánh giá: Triển khai từ năm 2012 đến nay, Chương trình PPP phát triển cà phê bền vững ở Lâm Đồng tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động 12 nhóm sản xuất với hơn 1.140 nông hộ. 12 trưởng nhóm đồng thời là chủ hộ của 12 vườn cà phê mẫu, được thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn 4C về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. 

Tính riêng trong niên vụ cà phê 2015 – 2016, tất cả 12 nhóm trưởng thông qua Điều phối viên Chương trình PPP Lâm Đồng đã tham gia 2 đợt tập huấn kỹ thuật và tiếp cận kinh nghiệm tại các vùng sản xuất cà phê tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Những chuyên đề chuyên sâu qua 2 đợt tập huấn gồm: thời gian tưới nước, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; kỹ năng tổ chức và cách thức tập huấn cho nông dân; hướng dẫn ghi nhật ký nông hộ và báo cáo định kỳ; phát triển sản xuất theo các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã; tìm hiểu công nghệ tưới nước tiết kiệm tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên…


Với vốn tích lũy kiến thức gắn với thực tiễn sản xuất cà phê theo Chương trình PPP, 12 nhóm trưởng hàng năm đã vận dụng khá linh hoạt trên vườn cà phê mẫu của mình, đồng thời tích cực chuyển giao đến từng nông hộ quanh vùng. 

Cụ thể ở niên vụ cà phê năm 2015 – 2016, qua kiểm tra của Điều phối viên phối hợp với các đối tác của Chương trình PPP Lâm Đồng, cho thấy: Trước diễn biến thời tiết thay đổi mưa, nắng thất thường, có nơi sương muối xâm nhập, dẫn đến một số vườn cà phê phát sinh nhiều loại bệnh như: thán thư, vàng lá, rỉ sắt… đã gây hại trong các thời điểm cây phát triển chồi cành mới hoặc ra hoa, đậu trái. Đáng nói, tình trạng này chỉ xuất hiện ở những khu vườn cà phê đối chứng; trong khi những khu vườn mẫu “cà phê PPP” thì gần như không bị ảnh hưởng, phần lớn cành lá xanh tốt, vươn dài, ít rụng trái…
Điều phối viên của Chương trình PPP Lâm Đồng, ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn nhận định: “Những vườn mẫu cà phê PPP rất ít gặp sâu bệnh so với vườn cà phê đối chứng ở Lâm Đồng là nhờ tiến hành các biện pháp sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, cũng như thực hành đầy đủ hướng dẫn canh tác của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên. 

Qua đó, người sản xuất đã tiết kiệm nhiều công lao động và chi phí đầu tư khác…” Theo đó, một trong những giải pháp trọng tâm để mỗi vườn “cà phê PPP” khắc phục rụng trái trong thời gian qua là bón thêm các loại phân có nguyên tố trung và vi lượng, bên cạnh nguyên tố đa lượng, nên thường xuyên cung cấp cân đối dinh dưỡng trong đất. So sánh trong các vụ mùa thu hoạch vừa qua, đa số vườn cà phê mẫu đã đạt năng suất cao hơn vườn cà phê đối chứng từ 9 – 25% (cá biệt có vườn cà phê mẫu đạt 10 tấn nhân/ha/năm); tỷ lệ lợi nhuận trung bình cũng theo đó vượt hơn khoảng 20%.

Hợp tác phát triển “cà phê PPP”

Bên cạnh việc chăm sóc vườn “cà phê PPP” đạt giá trị kinh tế cao, 12 trưởng nhóm đã tích cực xuống thăm vườn cà phê của nông hộ, cùng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm và viết nhật ký sản xuất hàng ngày. Một năm vừa qua, 12 trưởng nhóm đã mở gần 10 lớp tập huấn cho hơn 400 lượt nông dân. Và trong cuộc họp do Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng phối hợp với công ty Syngenta, công ty phân bón Yara tổ chức, vai trò nhóm trưởng đã mạnh dạn nêu những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong canh tác cà phê bền vững. giúp các đối tác tìm cách tháo gỡ kịp thời cho nông dân.

Đến nay, Chương trình PPP Lâm Đồng phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Lâm Hà triển khai nhiều hình thức mở rộng hoạt động của HTX sản xuất cà phê bền vững xã Nam Hà, trong đó phát huy chức năng trưởng nhóm PPP là thành viên Ban Quản trị. Bước đầu HTX Nam Hà đã liên hệ cung ứng phân bón cho các thành viên, đồng thời tiêu thụ một số sản lượng cà phê theo hợp đồng với Công ty Nestle. 

Kế hoạch đến cuối năm 2016, Chương trình PPP Lâm Đồng tiếp tục tạo thêm điều kiện thuận lợi cho HTX Liên Hà thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia mô hình mua chung, bán chung, giảm chi phí đầu vào và tăng thu nhập hơn nữa trên từng đơn vị diện tích thâm canh cây cà phê bền vững trên địa bàn huyện Lâm Hà nói riêng, trong tỉnh Lâm Đồng nói chung. 

Chương trình hợp tác công – tư (public- private partner, viết tắt là PPP) đã qua 4 năm phát triển cà phê bền vững ở Lâm Đồng. Kết quả không chỉ tăng năng suất và thu nhập, mà còn tạo cơ hội mới cho người sản xuất tham gia vào các mô hình hợp tác lâu dài.


bcce

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà Phê Tây Nguyên Designed by Templateism | MyBloggerLab Copyright © 2014

Hình ảnh chủ đề của richcano. Được tạo bởi Blogger.