“Giá 1 kg cà phê không bằng 1 kg cà pháo”
“Trong giai đoạn rớt giá, 1 kg cà phê không bằng 1kg cà pháo. Nợ sản phẩm chưa thu hồi được, nợ ngân hàng cũng không trả được, trong khi đó khi nghe cổ phần hóa thì lao động là đồng bào dân tộc thường bị kích động, tác động vì cứ nghĩ sẽ mất đất, rồi lại phát sinh đơn thư đòi lại đất”.
Đó là những khó khăn khó giải quyết mà lãnh đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam nêu ra tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015 - 2016 và nhiệm vụ giải pháp đến năm 2020 do Chính phủ tổ chức sáng 14/7, với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Báo cáo về tình hình sắp xếp đổi mới công ty nông, lâm nghiệp, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Tổng số công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP là 254 công ty, gồm 120 công ty nông nghiệp và 134 công ty lâm nghiệp. Báo cáo nhanh của các địa phương, tập đoàn, tổng công ty, phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đang triển khai thực hiện nhưng tiến độ chậm.
Quá trình sản xuất của Tổng Công ty Cà phê hết sức yếu kém, thua lỗ kéo dài (ảnh: Vinanet)
Hết năm 2015, giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty này là trên 40.500 tỷ đồng, bình quân lợi nhuận trước thuế 3 năm (2012 - 2014) đạt gần 2.800 tỷ đồng, trong đó khối các công ty nông nghiệp chiếm tỷ trọng tài sản và lợi nhuận cao hơn khối lâm nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện tổng số lỗ luỹ kế của các công ty nông, lâm nghiệp lên tới gần 1.100 tỷ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu.
“Các công ty nông, lâm nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do sản xuất cầm chừng, thậm chí nhiều công ty trong số này đã dừng hoạt động. Những công ty có số lỗ luỹ kế vượt quá 3/4 vốn chủ sở hữu sẽ đều thực hiện giải thể và đến nay đã có 8 công ty nông nghiệp, 2 công ty lâm nghiệp tiến hành giải thể” - Thứ trưởng Tuấn cho hay.
Về sắp xếp, đổi mới giai đoạn 2015-2016, ngoài Công ty Lâm nghiệp Việt Nam được đánh giá là đơn vị thực hiện nhanh, đúng quy định, đạt hiệu quả cao thì hầu hết các tổng công ty, công ty nông lâm nghiệp có mặt tại hội nghị khi nêu ý kiến đều nhấn mạnh đến khó khăn mọi mặt.
Đơn cử như Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, lãnh đạo đơn vị này cho biết có 5 đơn vị nằm trong diện giải thể, trong đó có 3 đơn vị giải thể trong năm 2016. Quá trình diễn ra rất có nhiều phức tạp, khi khó khăn, khủng hoảng trong ngành cà phê thì người lao động chủ động dừng tham gia đầu tư, nợ sản phẩm chưa thu hồi được, nợ ngân hàng cũng không trả được, lãi phải trả 180 tỷ chưa được xử lý….
“Trong giai đoạn cà phê rớt giá, nhiều khi 1 kg không bằng 1 kg cà pháo nên vốn nhà nước bị hạn chế vì vậy. Nợ sản phẩm chưa thu hồi được, nợ ngân hàng cũng không trả được, trong khi đó khi nghe cổ phần hóa thì lao động là đồng bào dân tộc thường bị kích động, tác động vì cứ nghĩ sẽ mất đất, rồi lại phát sinh đơn thư đòi lại đất. Bà con dân tộc không cần tiền mà cần đất, cần công việc.… Vì vậy đây là vấn đề cực kỳ bế tắc” – lãnh đạo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam bày tỏ.
Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Quá trình sản xuất của Tổng Công ty Cà phê hết sức yếu kém, gần như yếu kém nhất của Bộ NN&PTNT, kinh doanh thua lỗ kéo dài, lũy kế thua lỗ lớn, nợ đọng ngân hàng nhiều… Việc sắp xếp lần này sẽ nâng cao quản trị, giúp cải thiện tình hình.
Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2015 - 2016 sáng 14/7
Theo Phó Thủ tướng, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tăng cường hơn cả về tiến độ, khối lượng thực hiện và chất lượng và đặt mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giá trị gia tăng của nông lâm trường.
Việc phát triển sắp xếp đổi mới công ty thì gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, nhất là vùng sâu xa, tiếp tục chủ trương đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, phù hợp với chiến lược phát triển đất nước, tái cơ cấu nền kinh tế góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, xây dựng nông thôn, nông dân mới.
“Giải quyết cơ bản đất ở của vùng đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng đồng bào thiếu cả đất ở và sản xuất nhưng công ty lâm nghiệp thì quản lý không hiệu quả, độ che phủ rừng ngày càng giảm đi” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.
Theo Phó Thủ tướng, những vấn đề rất quan trọng trong đổi mới, sắp xếp là phải tạo chuyển biến căn bản về phương thức quản lý, sản xuất doanh nghiệp; chuyển công ty nông lâm nghiệp từ kinh doanh sang cổ phần, xây dựng các công ty nông lâm nghiệp thành trung tâm sản xuất liên kết nông lâm nghiệp, cải thiện nâng cao đời sống người trồng rừng, phát triển rừng, ứng phó biến đổi khí hậu; phát huy vai trò lãnh đạo các cấp tỉnh, thành ủy, các cấp chính quyền gắn với tổ chức đảng trong công ty nông lâm nghiệp và tăng cường truyền thông…
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thiện phương án tổng thể đổi mới, sắp xếp trình Thủ tướng trong Quý III và năm 2017 cố gắng hoàn thành việc sắp xếp này.
Châu Như Quỳnh
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-1-kg-ca-phe-khong-bang-1-kg-ca-phao-20160714170501742.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét