Tràn lan cà phê tạp chất
Là một cường quốc về cà phê, chỉ đứng sau Brazil về tổng sản lượng xuất khẩu cà phê trên thế giới, thế nhưng, ngay trên chính “sân nhà” của mình, nhiều loại cà phê Việt lại gây mất niềm tin của người tiêu dùng.
Nhiều hộ dân phơi cà phê trước hiên nhà, trên hè phố sau khi thu hoạch. Ảnh: KHẮC HÀO
Cà phê “giả” tại cường quốc cà phê
Theo số liệu tháng 5-2016 của Hiệp hội Cà phê thế giới, Việt Nam hiện đang đứng thứ hai trong danh sách các nước có sản lượng xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, chỉ sau Brazil. Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng cho biết, trong niên vụ 2015-2016, tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam, bao gồm cà phê hạt, cà phê rang xay và cà phê hòa tan, đạt 21,53 triệu bao.
Nhờ vào các quán cà phê và các loại cà phê khác nhau liên tục ra đời, mức tiêu thụ cà phê rang xay tại Việt Nam đã đạt mức 2,25 triệu bao (tương đương 135 triệu kg) cho niên vụ 2015-2016 và ước tính 2,5 triệu bao cho niên vụ 2016-2017. Đến thời điểm này, sản lượng cà phê chè arabica của cả nước ước chừng 60.000 tấn. Còn trong niên vụ cà phê 2015 - 2016 bắt đầu từ ngày 1-10-2015 và sẽ chấm dứt vào ngày 30-9-2016, Việt Nam hiện đã xuất khẩu được 1,32 triệu tấn cà phê nguyên liệu, dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng.
Thế nhưng, một điều oái ăm là người Việt sống trên đất nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất nhì thế giới lại hay gặp phải “cà phê tạp chất”, rất dễ tìm thấy ở khắp phố phường.
Theo tính toán của Hiệp hội Cà phê đặc biệt Hoa Kỳ, 1kg cà phê nguyên liệu nếu pha loãng có thể pha được 125 ly cà phê.
Trong khi đó, giá cà phê nguyên liệu hiện nay chừng 40.000 - 50.000 đồng/kg, sau khi xay chỉ còn chừng 700gram cà phê bột nguyên chất, chưa kể đến chi phí nhân công sấy, bao bì, nhãn mác, vận chuyển. Như vậy một ký cà phê sạch sẽ có giá thấp nhất cũng trên 100.000 đồng, nhưng trên thị trường hiện nay lại nhan nhản những “thương hiệu” cà phê bột, cà phê hòa tan với giá chỉ chừng 40.000 - 50.000 đồng/kg. Câu hỏi đặt ra là, trong loại cà phê ấy thật sự có gì và tại sao lại rẻ như vậy?
Trong cà phê không có... cà phê
Ngày 12-7 Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã công bố bản báo cáo khảo sát cho thấy có tới 9 mẫu cà phê hoàn toàn không phát hiện hàm lượng caffeine. Tính riêng kết quả của đợt khảo sát 253 mẫu tháng 6 và 7-2016 thực hiện tại 4 tỉnh thành phố gồm Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Sóc Trăng thì có 5 mẫu không có caffeine, 1/3 số mẫu khảo sát có hàm lượng caffeine rất thấp (dưới 1g/L).
Theo kết quả khảo sát, căn cứ trên địa điểm chọn mẫu cho thấy có 47,54% các mẫu cà phê lấy từ các quán nhỏ, xe đẩy, vỉa hè, và căn tin bệnh viện, có hàm lượng caffeine rất thấp, thậm chí các mẫu tại các địa điểm cà phê bệt, xe đẩy thì hoàn toàn không có hàm lượng caffeine.
Còn theo hồ sơ lưu tại Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông), nhiều mẫu cà phê sau khi được kiểm định bởi cơ quan có thẩm quyền đã thu được kết quả là tỷ lệ caffein bằng 0, có nghĩa là không có thành phần của cà phê trong sản phẩm cà phê bột. Điều đó đồng nghĩa với việc chủ nhiều cơ sở rang xay cà phê không hề sử dụng hạt cà phê để rang, mà chỉ sử dụng bắp, đậu nành và một số loại khác, chưa kể chủ cơ sở này đã sử dụng tổng hợp hóa chất, hương liệu trôi nổi trên thị trường.
Ngoài việc phát hiện cà phê bột không có hàm lượng caffein, đoàn kiểm tra còn phát hiện các lỗi phổ biến mà chủ các cơ sở thường mắc khi bị kiểm tra là: không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như kho chứa nông sản chưa tách biệt với các sản phẩm khác như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; nông sản để trực tiếp dưới nền kho, thường là nên xi măng không đảm bảo vệ sinh; chưa có biện pháp phòng chống động vật, côn trùng gây hại xâm nhập vào kho; chưa có giấy khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; người lao động không đảm bảo việc trang bị các thiết bị bảo hộ lao động hoặc vệ sinh trực tiếp; thiết bị phục vụ rang xay, đóng gói cà phê không đảm bảo…
Thời gian qua, ngành chức năng đã phát hiện rất nhiều trường hợp sản xuất cà phê “bẩn” bằng công nghệ kinh hoàng. Người ta lấy đậu nành, bắp, rang cháy khét rồi đem trộn với đường cục, chất tạo màu caramen, muối, rượu, nước và nhiều loại hóa chất, rồi xay thành “cà phê” bột và đem đóng gói, phân phối ra thị trường.
NAM PHƯỚC
http://www.sggp.org.vn/xahoi/2016/7/427496/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét