Vài kinh nghiệm kiểm soát giá cà phê thế giới
Ngành cà phê của Việt Nam tuy non trẻ nhưng cũng đã “nếm” qua mùi vị các đợt giá cà phê sụt giảm. Trước tình hình đó, năm 2001, Chính phủ đã tiến hành hỗ trợ ngành cà phê bằng một loạt các biện pháp và trợ cấp khác nhau: khuyến khích các nhà xuất khẩu mua tạm trữ 150.000 tấn đến hạn xuất khẩu vào năm 2001 (bằng khoảng 20% tổng sản lượng cà phê năm đó) với ngân sách 110 tỷ đồng, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê bằng chính sách thưởng xuất khẩu (ước tính khoảng 220 VND/1 USD xuất khẩu), thực hiện một số chính sách trợ giá cho người trồng cà phê… Đến năm 2010, xuất khẩu cà phê lại đối mặt với tình trạng vô cùng khó khăn khi giá bán giảm xuống mức thấp nhất trong giai đoạn 2007-2010.
Một lần nữa trong lịch sử cà phê Việt Nam, tạm trữ được thực hiện, Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng cho các doanh nghiệp kinh doanh cà phê vay vốn được hỗ trợ lãi suất 6%/năm để thu mua cà phê tạm trữ 200.000 tấn cà phê. Thời gian thu mua là 3 tháng từ 15/4 – 15/7/2010. Và gần đây nhất là niên vụ 2012-2013, Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam đã có kiến nghị Chính phủ cho tạm trữ ngay 300.000 tấn cà phê ngay từ đầu vụ 2012-2013.
Thế nhưng, các nước trồng cà phê khác trên thế giới với bề dày lịch sử trồng và kinh doanh cà phê đã có hành động gì? Trong chương này, trước tiên xin mời bạn tìm hiểu đặc điểm về mặt kinh tế học của cà phê và sau đấy là kinh nghiệm kiểm soát giá cà phê thế giới của các chính phủ.
Cà phê dưới góc nhìn kinh tế học
Một trong những đặc trưng của thị trường cà phê là độ co giãn [1] theo giá tương đối thấp của cung và cầu (McClumpha, 1988). Độ co giãn theo giá của cung thấp trong ngắn hạn và cao hơn trong dài hạn do phải mất ít nhất hai năm thì cây cà phê trồng mới mới có thể cho thu hoạch và mất thêm vài năm nữa để cây cà phê trưởng thành và cho mức thu hoạch đầy đủ. Do đó, phản ứng của cung trong ngắn hạn chỉ có thể bằng cách thay đổi lượng đầu vào và lao động chứ không thể bằng cách tăng diện tích trồng (tăng diện tích chỉ khả thi đối với cây trồng hàng năm, không khả thi đối với cây trồng lâu năm như cà phê). Độ co giãn của cầu theo giá cũng thấp, nhu cầu cà phê chỉ giảm đáng kể khi giá cà phê tăng cao. Và đặc điểm đặc biệt này của cung và cầu cà phê dẫn đến kết quả là giá rất dễ biến động trên thị trường cà phê thế giới.
Trong trường hợp nguồn cung thiếu hụt, giá cà phê sẽ tăng cao mà không làm giảm đáng kể mức tiêu thụ. Cung cũng phản ứng chậm trong ngắn hạn trong khi mở rộng diện tích trồng mới. Về lâu dài, điều này sẽ dẫn đến việc cung cà phê sẽ cao hơn mức cần thiết khi cây cà phê trồng mới trưởng thành. Tiếp theo sau tình trạng nguồn cung thiếu hụt có thể là tình trạng thừa cung và giá thấp. Và thời kỳ “vỡ” của chuỗi bùng-vỡ bắt đầu, và thường kéo dài lâu hơn so với thời kỳ bùng nổ (Daviron, 1993; McClumpha, 1988).
Một đặc điểm quan trọng khác của thị trường cà phê là tiêu thụ có xu hướng tăng khi thu nhập tăng, nhưng chậm lại khi thu nhập đạt mức cao nhất. Do đó, thị trường cà phê được coi là “trưởng thành” khi mức tăng trưởng tiêu dùng tương đối thấp và ổn định. Khi tăng trưởng tiêu dùng thấp, các hãng rang xay và nhà bán lẻ đầu tư đổi mới sản phẩm và phân khúc nhằm tăng giá trị gia tăng và nỗ lực “nuôi dưỡng” thị trường với tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng triển vọng nhất.
Vài kinh nghiệm kiểm soát giá cà phê thế giới
Cà phê là một trong những loại hàng hóa đầu tiên mà thương mại thế giới cố gắng kiểm soát, bắt đầu vào năm 1902 với chương trình “bình ổn” (“valorization” - bắt nguồn từ chữ “valorizacao” (tiếng Bồ Đào Nha), có nghĩa là duy trì giá hàng hóa) do bang São Paulo (Brazil) thực hiện.
Giữa năm 1901-1902, giá cà phê trên Sở giao dịch Chứng khoán New York giảm mạnh, trong lúc ấy sản lượng của Brazil tăng lên hơn 16 triệu bao đã làm trầm trọng thêm mức giá thế giới đang rất thấp này. Trước tình hình đó, năm 1902, São Paulo đã cấm trồng cà phê mới và năm 1906 bắt đầu thực hiện chương trình bình ổn. Chương trình này liên quan đến hành động tăng giá cà phê của bang, sở dĩ có thể thực hiện được tại thời điểm đó là do São Paulo chiếm phần lớn sản lượng cà phê thế giới (khoảng 75-90%) (Lucier 1988:117). Ban đầu São Paulo dự định mua và lưu kho 5 triệu bao trong năm 1906, nhưng rốt cuộc đã phải mua 8 triệu bao bởi sản lượng thu hoạch rất lớn. Khoản tiền mua cà phê này được tài trợ bằng vay nước ngoài 73 triệu USD. Thuế xuất khẩu 58 cents/bao sẽ dùng để trả tiền lãi và chi phí lưu kho.
Do chương trình São Paulo không bao gồm cà phê cấp thấp nên thị trường này bị xáo trộn, bang Minas và Rio là những nơi chính trồng cà phê cấp thấp buộc phải tham gia. Ngoài ra, cà phê xuất khẩu đã trở thành nguồn mang lại thu nhập cho nông dân Brazil. Do đó, đã dẫn đến sự can thiệp của chính phủ liên bang. Sự kiểm soát của chính phủ được biết đến với chương trình “bình ổn”, hay chương trình kiểm soát cà phê, gồm ba yếu tố: (1) rút lượng cung cà phê ra khỏi thị trường, (2) tăng cung trong thời kỳ khan hiếm, và (3) mua cà phê từ các nước trồng cà phê khác và lưu kho tại São Paulo (Brooks 2007:40). Ngân hàng Trung ương Brazil sau đó đảm bảo cho việc vay nợ nước ngoài và hỗ trợ để việc tài trợ cho chương trình này được thực hiện dễ dàng hơn. Chính phủ liên bang cũng đã thiết lập nguồn quỹ trong năm 1906 để ổn định tỷ giá nhằm đảm bảo lợi nhuận của người trồng cà phê không bị giảm sút khi tính bằng đồng nội tệ.
Cà phê theo kế hoạch này chủ yếu được lưu tại kho ở New York và Le Havre do ở Brazil không có nơi để lưu kho. Các hãng kinh doanh cà phê nước ngoài tham gia chương trình về mặt tài chính, thanh toán trước cho cà phê mà họ nắm giữ.
Mùa vụ năm 1907 và 1908 cho sản lượng kém, do đó, lượng cà phê đã lưu kho được bán ra từ năm 1908 trở đi, và thuế xuất khẩu được nâng lên. Năm 1914, São Paulo đã hoàn trả khoản vay và vẫn còn giữ 3,1 triệu bao, sau đó bán được với giá tốt trong chiến tranh. Lợi nhuận cuối cùng của São Paulo lên tới 49 triệu USD. Các ngân hàng đã nhận được lãi suất 9% và các hãng kinh doanh cũng thu được lợi nhuận. Trong thực tế chương trình này được tài trợ 80% bởi các hãng kinh doanh nước ngoài (Maddison, 1992).
Đây là chương trình bình ổn hàng hóa đầu tiên trên thế giới và dường như mang lại thành công lớn. Các hãng kinh doanh nước ngoài đã hợp tác với Brazil để duy trì giá, thị trường thế giới được mở rộng, việc trồng cà phê được kiểm soát và loại bỏ lượng cung dư thừa. Brazil đứng ở vị thế có quyền lực lớn, kiểm soát ba phần tư nguồn cung trên thế giới.
Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, chính phủ liên bang thực hiện một chương trình khác để hỗ trợ giá cà phê, sau khi đã giảm giới hạn diện tích trồng vào năm 1917. Lúc này, chính phủ tài trợ cho việc lưu kho bằng chính sách lạm phát và cà phê được lưu tại Brazil. Cà phê lưu kho không lớn và cũng không kéo dài do có đợt sương giá nghiêm trọng làm giảm sản lượng mùa vụ năm 1918 tại thời điểm mà các nước khác nhanh chóng tái xây dựng nguồn lưu trữ cà phê của mình. São Paulo thu được lợi nhuận 20 triệu USD với chương trình bình ổn lần thứ hai này.
Tuy nhiên, sản lượng năm 1920 rất lớn, giá giảm cực kỳ nhiều, và chương trình bình ổn thứ ba bắt đầu vào năm 1922. Chương trình được tài trợ bởi nguồn tín dụng trong nước và kho lưu trữ cũng được xây dựng ở trong nước. Chính phủ tuyên bố chính sách bảo vệ “lâu dài” giá cà phê, và cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho người trồng cà phê thông qua Ngân hàng Thế chấp Nông nghiệp (Agricultural Mortgage Bank) được thành lập vào năm 1925. Viện Cà phê São Paulo có trách nhiệm quản lý chương trình và đã thành công trong việc nâng cao giá thế giới đến mức “chọc tức” các nhà nhập khẩu tại Mỹ. Giá bán lẻ cà phê tại Mỹ, trước đó tương đối ổn định, đã tăng từ 36 cents/pound [2] vào năm 1921/3 đến 50 cents trong năm 1925. Điều này dẫn đến việc Mỹ đầu tư đáng kể vào Colombia. Người trồng cà phê tại Colombia được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách của Brazil bởi vì chính sách này đã đảm bảo cho họ một mức giá tối thiểu, và chi phí lưu kho hoàn toàn do Brazil gánh chịu.
Vấn đề chính của chương trình bình ổn lần thứ ba là không hạn chế trồng cà phê tại Brazil. Chính sách giá xuất khẩu cao đáng lẽ nên được kết hợp với giá trong nước thấp, kiểm soát diện tích trồng hoặc các cách thức khác ngăn chặn dòng chảy các nguồn lực vào ngành cà phê (Maddison, 1992). Có độ trễ khoảng 4 năm trước khi cây cà phê bắt đầu cho thu hoạch, do đó, không có tác động lên sản lượng cho đến cuối những năm 1920.
Chính sách cà phê Brazil đã đẩy sản lượng vượt quá khả năng hấp thụ của thị trường và đã kích thích mạnh sự cạnh tranh từ nước ngoài. Sản lượng tăng gấp đôi từ năm 1925 đến năm 1929, và Viện Cà phê cạn nguồn tài chính. Ở giai đoạn này, chính phủ liên bang tiếp quản và vay 107 triệu USD ở nước ngoài để tài trợ cho tiếp cho chương trình. Vào đêm trước Đại Suy thoái [3], tồn kho của Brazil bằng 2 năm xuất khẩu (hay 10% GNP), tốc độ tăng sản lượng cao hơn nhu cầu của thế giới (Maddison 1992). Năm 1929 chỉ xuất khẩu được một nửa sản lượng thu hoạch.
Như vậy, Brazil giữ vị thế gần như độc quyền về kinh doanh cà phê cho đến Đại Suy thoái. Giá cao do chính sách cà phê của Brazil đã tạo động lực để Colombia và các nước Mỹ Latinh khác mở rộng diện tích trồng cà phê. Tuy nhiên, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai nổ ra năm 1939 đã làm suy giảm nhu cầu cà phê. Cuộc khủng hoảng này đã mang Mỹ và 14 nước trồng cà phê Mỹ Latinh lại với nhau, ký kết Hiệp định Cà phê liên châu Mỹ (Inter-American Coffee Agreement) năm 1940. Mỹ là nước thành viên nhập khẩu duy nhất trong hiệp định này. Tại thời điểm đó, Mỹ nhập hơn hai phần ba sản lượng cà phê thế giới (Mshomba, 2000).
Đặc điểm quan trọng của Hiệp định Cà phêliên châu Mỹ là hệ thống hạn ngạch xuất khẩu, với chương trình cơ bản đã được thống nhất sau khi đàm phán và thỏa hiệp. Mục tiêu của hiệp định này được cho là nhằm đảm bảo tỷ số mậu dịch [4] cân bằng cho cả nước trồng và tiêu thụ bằng cách điều chỉnh cung theo cầu. Nước trồng cà phê sẽ hạn chế nguồn cung và nước tiêu thụ sẽ đồng ý thanh toán theo mức giá thương lượng.
Các nước xuất khẩu cà phê quan tâm đến hạn ngạch xuất khẩu cố định này nhằm tránh đi sự cạnh tranh khốc liệt, và giá cà phê sẽ tăng lên mức có thể tạo ra lợi nhuận.Trên thực tế, mặc dù phản đối hành vi kiểm soát thị trường quốc tế nhưng Mỹ vẫn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để giá tăng như vậy vì lợi ích của sự đoàn kết liên châu Mỹ. Từ quan điểm của Mỹ, mục tiêu chính trị cơ bản của thỏa thuận này là để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế của các nước thành viên Mỹ Latinh. Vì lý do này, không có tiêu chí công bằng hay tuyên bố các mục tiêu giá cụ thể được thực hiện công khai. Năm 1945, cuối chiến tranh, Mỹ đã rút khỏi hiệp định và trở lại vị trí của mình theo hướng thị trường tự do (Mshomba, 2000).
Hiệp định Cà phê liên châu Mỹ được xem xét trên cơ sở hàng năm cho đến tháng 9/1948. Khi cầu tăng nhiều hơn cung vào cuối năm 1948, các nước trồng cà phê Mỹ Latinh phản đối việc tiếp tục hiệp định và mở rộng diện tích trồng nhằm hưởng lợi từ sự gia tăng tiếp theo của giá. Khoảng năm 1947, giá cà phê giảm, điều này chứng tỏ rõ ràng rằng nỗ lực kiểm soát của các nước không còn có thể ổn định thị trường. Hiệp định Cà phê liên châu Mỹ kết thúc năm 1948. Đây là một trường hợp đặc biệt vì động lực thúc đẩy chính của hiệp định này là do sự đổ vỡ thị trường bởi chiến tranh và Mỹ hỗ trợ các nước Mỹ Latinh vì mục tiêu chính trị (Kenneth, 1970).
Sau chiến tranh, nhu cầu cà phê gia tăng đáng kể, do đó, giá cà phê tăng cao, đạt đỉnh điểm vào năm 1954. Giá cao đã khuyến khích mở rộng diện tích trồng cà phê ở các nước Mỹ Latinh và châu Phi. Tăng cung cà phê trong giữa những năm 1950 đã đẩy giá xuống, làm sống lại mối quan tâm kiểm soát lượng cà phê xuất khẩu của các nước trồng cà phê. Với thất bại của chương trình bình ổn, chính phủ Brazil đã thay đổi theo hướng huy động các nước trồng cà phê khác ở khu vực Mỹ Latinh cùng nhau kiểm soát sản lượng cà phê.
Hiệp định Mexico (Mexico Agreement) đã được ký kết năm 1957 - gồm 7 nước: Brazil, Colombia, Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Mexico và Nicaragua. Hiệp định này được ký lại một năm sau đó với tên gọi Hiệp định Cà phê Mỹ Latinh (Latin American Coffee Agreement) (1958). Brazil đồng ý giữ lại 40% sản lượng xuất khẩu, Colombia 15%, các thành viên khác 10% hoặc ít hơn. Tuy nhiên, các nước Mỹ Latinh trồng cà phê cảm thấy bị đe dọa bởi sản lượng gia tăng ở châu Phi. Đến năm 1959, các nước trồng cà phê chính ở châu Phi cũng tham gia vào chương trình. Không nước nào trong số các nước nhập khẩu là thành viên của hiệp định, trừ những nước đại diện cho các thuộc địa.
Sự tham gia của các nước trồng cà phê ở châu Phi đã dẫn đến việc hình thành hiệp định quốc tế sau này. Hiệp định Cà phê Quốc tế (International Coffee Agreement - ICA) đầu tiên được ký kết vào năm 1962, bao gồm hầu hết các nước trồngvà tiêu thụ cà phê. Theo hệ thống ICA (1962-1989), mức giá mục tiêu (hoặc biên độ giá) cho cà phê được thiết lập, hạn ngạch xuất khẩu sẽ được phân bổ cho từng quốc gia trồng cà phê. Khi chỉ số giá tính theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) tăng so với giá đã được thiết lập, hạn ngạch được nới lỏng; ngược lại, khi chỉ số giá giảm xuống dưới mức giá thiết lập này, hạn ngạch sẽ được thắt chặt. Nếu giá tăng rất cao, như trong giai đoạn 1975-1977, sẽ ngừng việc áp dụng hạn ngạch cho đến khi giá giảm nằm trong biên độ. Mặc dù có các vấn đề tồn tại khi hoạt động theo hệ thống này nhưng hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng nó đã thành công trong việc nâng cao và ổn định giá cà phê (Akiyama & Varangis, 1990; Bates, 1997; Daviron, 1996; Gilbert, 1996; Palm & Vogelvang, 1991).
Các yếu tố góp phần vào sự thành công của hệ thống ICA được cho là: (1) sự tham gia của các nước tiêu dùng trong hệ thống hạn ngạch, (2) các nước trồng cà phê hoạt động như một “đơn vị thị trường” (“market units”), có nghĩa là chính phủ kiểm soát các quyết định liên quan đến xuất khẩu,(3) sự chấp thuận thu hẹp thị phần của Brazil - kết quả của các hiệp định cà phê quốc thế liên tiếp, và (4) chiến lược thay thế hàng nhập khẩu tại các nước trồng cà phê đòi hỏi huy động tối đa kim ngạch xuất khẩu - do đó giá hàng hóa cao (Daviron, 1996:86-89).
Song song đó, hệ thống ICA cũng bị suy yếu bởi các nước “ăn theo” (free-riding) và các tranh cãi nhau xung quanh vấn đề hạn ngạch. Các vấn đề khác như khối lượng cà phê được mua bán với (hoặc thông qua) các nước nhập khẩu khôngphải là thành viên (với giá thấp hơn), sự phân mảnh ngày càng tăng của thị trường cà phê, và không đồng nhất trong mô hình phát triển (Daviron, 1993, 1996; Ponte, 2001). Hơn nữa, hạn ngạch tương đối ổn định vì chi phí thương lượng rất tốn kém. Kết quả là cung cà phê có xu hướng ổn định. Trong khi đó, vào những năm 1980, người tiêu dùng ở Mỹ dần chuyển từ cà phê hòa tan (sử dụng tỷ lệ Robusta cao) sang cà phê rang (sử dụng tỷlệ Arabica cao hơn). Các hãng rang xay với nguồn cung cứng nhắc đã lo ngại rằng đối thủ cạnh tranh có thể mua được cà phê với giá rẻ hơn từ các nước không phải là thành viên. Điều này đã làm suy yếu mối quan hệ hợp tác của họ trong hệ thống ICA. Cuối cùng, tình hình chính trị Chiến tranh Lạnh[5] của Mỹ trong mối quan hệ với khu vực Mỹ Latinh đã thay đổi trong những năm 1980. Mỹ cảm thấy rằng sự rút khỏi Brazil không còn là mối đe dọa nữa, và sự cứng nhắc của hạn ngạch có nghĩa là chính quyền Mỹ không thể trừng phạt “kẻ thù” của Mỹ ở Trung Mỹ (Bates, 1997:172-175). Kết hợp các thay đổi này đã dẫn đến việc tái ký kết ICA đã không diễn ra trong năm 1989.
Trong khi ICO vẫn tích cực trong việc hỗ trợ phát triển cà phê, hệ thống hạn ngạch không bao giờ tái áp dụng nữa. Sự sụp đổ của hiệp định năm 1989 cho phép Việt Nam gia nhập thị trường (McCartney, 2010). Các hiệp định tiếp theo trong năm 1994, 2001 và 2007 chỉ đơn thuần thúc đẩy và nâng cao chất lượng cà phê, diễn đàn cho khu vực tư và hỗ trợ chuyển giao công nghệ giữa các nước thành viên.
Năm 1993, một số nước trồng cà phê cố gắng thiết lập tổ chức mới, Hiệp hội các nước trồng cà phê (Association of Coffee Producing Countries – ACPC). ACPC đề xuất chương trình giữ lại lượng xuất khẩu, nhưng thiếu sự hỗ trợ của một số nước xuất khẩu lớn và các kiểm soát cần thiết để duy trì một liên minh thành công (Ponte, 2001). Do không thể để ngăn chặn giá giảm, ACPC đã giải thể vào năm 2001 (BBC, 2001).
Một số nhận định
Ở các nước đang phát triển, ổn định giá trong nước là mục tiêu được thực hiện bởi hội đồng tiếp thị (marketing boards) [6] cố gắng điều hành và quản lý nguồn cung thông qua các kho dự trữ quốc gia và các chương trình dự trữ đệm (buffer stock). Nhưng ngay cả khi chúng được sử dụng cho các mục tiêu đã đề ra, chương trình bình ổn hàng hóa vẫn không có hiệu quả vì cách thức mà giá hàng hóa thường hoạt động. Hầu hết giá hàng hóa cuối cùng quay trở lại giá trị trung bình của nó - một yêu cầu để quỹ bình ổn (hoặc chương trình dự trữ đệm) khả thi – nhưng chỉ đối với thời gian rất chậm, thời gian trung bình để giá hàng hóa quay trở lại được đo theo năm, chứ không phải theo tháng (Kang và Mahajan, 2006). Như vậy, quỹ bình ổn hàng hóa phải rất lớn thì mới hiệu quả hoặc nước đó cần phải có nhiều khả năng vay vốn nước ngoài. Nhưng quỹ lớn là không khả thi vì lý do chính trị trongnước, và nguy cơ vỡ nợ quốc gia (sovereign risk) thường ngăn cản sự tiếp cận cần thiết để vay vốn nước ngoài. Bởi vì quỹ nhỏ thì không hiệu quả, có ít cơ hội để một nước bình ổn giá hàng hóa trong nước thông qua vay nợ nước ngoài khi đã dùng hết quỹ. Một vấn đề nữa đối với các chương trình bình ổn giá trong nước là chúng tái phân phối rủi ro trong nước (thường là từ những người trồng sang chính phủ), chứ không phải là đa dạng hóa rủi ro ra ngoài nước cho các đơn vị có khả năng tốt hơn gánh chịu rủi ro này (Varangis và Larson, 1996).
Còn đối với các hiệp định hàng hóa quốc tế, chẳng hạn các hiệp định chính như đường (1954), cà phê (1962), ca cao (1972), cao su tự nhiên (1980), đã được khởi xướng dưới sự bảo trợ của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), nhằm tác động đến giá thế giới bằng cách sử dụng các công cụ là dự trữ đệm và hạn ngạch xuất khẩu. Các hiệp định hàng hóa quốc tế nhìn chung được sử dụng như các biện pháp ổn định thị trường. Tuy nhiên, các chương trình này phải đối mặt với các vấn đề thông tin của việc dự đoán chính xác xu hướng giá trong dài hạn, dồn đủ nguồn lực để giữ giá gần xu hướng đó, và thực hiện các hành động thích hợp tiếp theo. Sau khi xem xét kinh nghiệm với các chương trình như vậy, Lindert kết luận rằng bình ổn giá “có vẻ hợp lý về nguyên tắc nhưng không khả thi trong thực tế”, và không kinh tế, cũng không khả thi về mặt chính trị (Gilbert, 1996; Newbery và Stiglitz, 1981).
Việc thực hiện không đạt yêu cầu của hiệp định hàng hóa có liên quan đến: xung đột lợi ích giữa các nước thành viên trồng và tiêu thụ; nguồn tài chính không đủ; thất bại do những thay đổi trong hình mẫu sản xuất và tiêu dùng; và thất bại trong việc điều chỉnh mục tiêu giá không thực tế khi đối mặt với giá giảm liên tục trong những năm 1980 và 1990. Năm 1996, không có hiệp định nào giữ lại các điều khoản bình ổn giá. Các hiệp định này gặp khó khăn bởi chúng cố gắng duy trì không chỉ giá ổn định mà còn phải cao, và vì những bất đồng và thiếu kỷ luật giữa các thành viên (Varangis và Larson, 1996). Hơn nữa, chương trình dự trữ đệm và hạn ngạch của các hiệp định hàng hóa không giải quyết được nguyên nhân của biến động giá có nguồn gốc bên ngoài thị trường hàng thực.
Bất kỳ thỏa thuận nào dựa trên hạn ngạch nhằm tăng giá cao hơn giá cân bằng trên thị trường sẽ khuyến khích các nước trồng cà phê mới tham gia vào thị trường, và các quốc gia không phải là thành viên sẽ tăng sản lượng lên (Pichop và Kemegue, 2006). Do đó, không có gì là đáng ngạc nhiên khi thấy Brazil và Colombia đã phải đối mặt với cạnh tranh tăng lên khi ngày càng nhiều nước bắt đầu trồng và xuất khẩu cà phê. Chỉ có 14% cà phê thế giới được trồng ngoài Trung và Nam Mỹ cuối những năm 1940, chủ yếu là châu Phi, sản lượng cà phê đã tăng lên nhanh chóng kể từ thời điểm đó và chiếm khoảng một phần ba tổng lượng xuất khẩu trên thế giới (Pasour, 1990).Thêm vào đó, việc hạn chế cạnh tranh và nâng giá cao hơn theo các hiệp định hàng hóa dẫn đến các kết quả điển hình có thể dự đoán được như: sự bất bình của người tiêu dùng, nhanh chóng tìm các nước thay thế, gian lận giữa các bên tham gia, mở rộng sản lượng bên ngoài hiệp định, các cuộc đấu tranh liên tục để giữ tổng sản lượng hay lượng giao dịch ở mức thấp và nâng thị phần của từng quốc gia lên, và trì hoãn nguồn lực cần thiết cũng như điều chỉnh sản xuất. Các hiệp định hàng hóa có nhiều khả năng ngăn chặn phân bổ nguồn lực hiệu quả bởi hạn ngạch và giá được xác định do ảnh hưởng chính trị và sản lượng quá khứ cũng như hình mẫu thương mại hơn là được xác định bởi lợi thế so sánh và các lực lượng thị trường. Tương tự như vậy, Bauer nhận thấy rằng các hiệp định hàng hóa có xu hướng đóng băng các mô hình sản xuất, bảo vệ những nước trồng cà phê có chi phí cao và hạn chế sự tăng trưởng của những nước cung cấp có chi phí thấp hơn.
Do đó, mục tiêu mà chính sách công nên hướng vào đó là phát triển khung thể chế mang đến phạm vi lựa chọn tối đa cho cá nhân, chỉ bằng cách này, nguồn lực mới có thể được sử dụng hiệu quả nhất trên thế giới và lợi ích của các nước trồng và tiêu thụ được phục vụ tốt nhất (Pasour, 1990).
[1] Trong kinh tế học, độ co giãn (elasticity) dùng để đo lường sự thay đổi của một biến kinh tế sẽtác động lên các biến khác như thế nào. Chẳng hạn như nếu giảm giá thì tôi sẽ bán được thêm bao nhiêu sản phẩm, hay như nếu tôi tăng giá thì tôi bán ít đi bao nhiêu sản phẩm?
Độ co giãn của cầu (cung) theo giá (price elasticity of demand (supply)) cho biết tỷ lệ phần trăm(%) thay đổi trong lượng cầu (cung) do giá thay đổi 1% (với giả định là các yếu tố khác có tác động lên cầu không đổi, chẳng hạn như thu nhập). Trong trường hợp cung và cầu có độ co dãn thấp (inelastic) (có giá trị tuyệt đối nhỏ hơn 1), cho thấy tỷ lệ phần trăm thay đổi trong giá vượt quá tỷ lệ phần trăm thay đổi của lượng, gợi ý rằng một sự thay đổi nhỏ trong cung hoặc cầu có thể gây ra một sự thay đổi lớn trong giá và thu nhập.
Đối với hầu hết các hàng hóa (commodities), độ co giãn của cung và cầu ước tính nằm trong khoảng 0,2-0,5, cho thấy giáthay đổi 1% thì lượng cầu (cung) chỉ thay đổi 0,2% (Carbaugh, 2011: 235).
Độ co giãn của cầu (cung) theo giá (price elasticity of demand (supply)) cho biết tỷ lệ phần trăm(%) thay đổi trong lượng cầu (cung) do giá thay đổi 1% (với giả định là các yếu tố khác có tác động lên cầu không đổi, chẳng hạn như thu nhập). Trong trường hợp cung và cầu có độ co dãn thấp (inelastic) (có giá trị tuyệt đối nhỏ hơn 1), cho thấy tỷ lệ phần trăm thay đổi trong giá vượt quá tỷ lệ phần trăm thay đổi của lượng, gợi ý rằng một sự thay đổi nhỏ trong cung hoặc cầu có thể gây ra một sự thay đổi lớn trong giá và thu nhập.
Đối với hầu hết các hàng hóa (commodities), độ co giãn của cung và cầu ước tính nằm trong khoảng 0,2-0,5, cho thấy giáthay đổi 1% thì lượng cầu (cung) chỉ thay đổi 0,2% (Carbaugh, 2011: 235).
[3] Đại Suy thoái (Great Depression) là thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 1929 đến hết các năm 1930 và lấn sang đầu thập kỷ 1940, bắt đầu sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall vào ngày 29/10/1929 (còn được biết đến với tên gọiThứ Ba Đen tối). Cuộc khủng hoảng bắt đầu ở Mỹ và nhanh chóng lan rộng ra toàn châu Âu và khắp nơi trên thế giới, phá hủy cả các nước phát triển. Thương mại quốc tế suy sụp rõ rệt, từ thu nhập cá nhân, thuế, lợi tức đều bị ảnh hưởng và suy thoái. Xây dựng gần như bị tê liệt ở nhiều nước. Từ thành thị đến nông thôn đều phải đối mặt với mất mùa, giảm từ 40 đến 60%. Các lĩnh vực khai mỏ và khai thác gỗ bị ảnh hưởng lớn nhất. Đại Suy thoái kết thúc vào các thời gian khác nhau tùy theo từng nước. Nó được coi là “đêm trước” của Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
(http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_kh%E1%BB%A7ng_ho%E1%BA%A3ng).
(http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_kh%E1%BB%A7ng_ho%E1%BA%A3ng).
[4] Tỷ số mậu dịch (termsof trade) là tỷ số giữa chỉ số giá xuất khẩu và chỉ số giá nhập khẩu.
[5] Chiến tranh Lạnh (Cold War) (1945–1991) là tình trạng tiếp nối xung đột chính trị, căng thẳng quân sự, và cạnh tranh kinh tế tồn tại sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai (1939–1945), chủ yếu giữa Liên bang Xô Viết và các quốc gia vệ tinh của nó, với các cường quốc thuộc thế giới phương Tây, gồm cả Mỹ. Dù các lực lượng tham gia chủ yếu không bao giờ chính thức xung đột, họ đã thể hiện sự xung đột thông qua các liên minh quân sự, những cuộc triển khai lực lượng quy ước chiến lược, chạy đua vũ trang hạt nhân, tình báo, chiến tranh ủy nhiệm, tuyên truyền, và cạnh tranh kỹ thuật, như cuộc chạy đua không gian.
(http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_L%E1%BA%A1nh)
(http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_tranh_L%E1%BA%A1nh)
[6] Chuyển ngữ sang tiếng Việt theo bài giảng 16 “Vai trò của Nhà nước đối với phát triển nôngnghiệp”, Chính sách phát triển, Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, niên khóa 2012-2014.
Tài liệu thamkhảo
1. Ponte, Stefano (2002), The ‘Latte Revolution’? Regulation, Marketsand Consumption in the Global Coffee Chain, World Development Vol. 30, No.7, pp. 1009-1122, 2002.
2. McCartney, Patrick (2010), Oligopoly or Oligopsony: Vietnam and theInternational Coffee Crisis, Undergraduate Honors Thesis, Department of Agricultural & Resource Economics, University of California, Davis.
3. Pichop, Germain N. và Kemegue, Francis M. (2006), International CoffeeAgreement: Incomplete Membership and Instability of the Cooperative Game, Southwest Business and Economics Journal/2005-2006.
4. Brooks, Murrell Lamont (2007), Coffee, Liberalization and Democratic Developmentin Tanzania: a study in the politics of agriculture and development intransitional states, PhD thesis, UCLA.
5. Mshomba, Richard E. (2000), Africa in the global economy, Lynne Rienner Pub.
6. Maddison, Angus (1992), Brazilian Development Experience from 1500to 1929.
7. Carbaugh, Robert J. (2011), International Economics, 13thedition, South-Western Cengage Learning.
8. Newman, Susan (2009), The New Price Makers: An Investigation intothe Impact of Financial Investment on Coffee Price Behaviour, NCCR Trade Regulation, Working Paper No. 2009/7
9. Pasour Jr., E. C. (1990), Review of the book “The InternationalPolitical Economy of Coffee: From Juan Valdez to Yank’s Diner”. By Richard L.Lucier. New York: Praeger Publishers, 1988. The Review of Austrian Economics, Vol. 4, 1990, pp. 241-48.
10. Kang, Myong Goo và Mahajan, Nayana (2006), An Introduction to Market-based Instruments for Agricultural Price Risk Management.
11. Kenneth D. Frederick (1970), Production Controls under the International Coffee Agreements: An Evaluation of Brazil's Programs, Journal of Interamerican Studies and World Affairs, Vol. 12, No. 2 (Apr., 1970), pp. 255-270.
12. Daviron, Benoit và Ponte, Stefano (2006), The Coffee Paradox: Global Markets, Commodity Trade and the Elusive Promise of Development, Zed Books.
13. Trung tâm Thông tin Nông nghiệp vàPhát triển Nông thôn (ICARD) – Oxfam Anh và Oxfam Hồng Kông (2002), Ảnh hưởng của thương mại cà phê toàn cầu đến người trồng cà phê tỉnh Đăk Lăk – Phân tíchvà khuyến nghị chính sách.
14. Phan Sỹ Hiếu (2002), Báo cáo nền: Tổngquan ngành cà phê Việt Nam. Hà Nội.
Tài liệu thamkhảo
1. Ponte, Stefano (2002), The ‘Latte Revolution’? Regulation, Marketsand Consumption in the Global Coffee Chain, World Development Vol. 30, No.7, pp. 1009-1122, 2002.
2. McCartney, Patrick (2010), Oligopoly or Oligopsony: Vietnam and theInternational Coffee Crisis, Undergraduate Honors Thesis, Department of Agricultural & Resource Economics, University of California, Davis.
3. Pichop, Germain N. và Kemegue, Francis M. (2006), International CoffeeAgreement: Incomplete Membership and Instability of the Cooperative Game, Southwest Business and Economics Journal/2005-2006.
4. Brooks, Murrell Lamont (2007), Coffee, Liberalization and Democratic Developmentin Tanzania: a study in the politics of agriculture and development intransitional states, PhD thesis, UCLA.
5. Mshomba, Richard E. (2000), Africa in the global economy, Lynne Rienner Pub.
6. Maddison, Angus (1992), Brazilian Development Experience from 1500to 1929.
7. Carbaugh, Robert J. (2011), International Economics, 13thedition, South-Western Cengage Learning.
8. Newman, Susan (2009), The New Price Makers: An Investigation intothe Impact of Financial Investment on Coffee Price Behaviour, NCCR Trade Regulation, Working Paper No. 2009/7
9. Pasour Jr., E. C. (1990), Review of the book “The InternationalPolitical Economy of Coffee: From Juan Valdez to Yank’s Diner”. By Richard L.Lucier. New York: Praeger Publishers, 1988. The Review of Austrian Economics, Vol. 4, 1990, pp. 241-48.
10. Kang, Myong Goo và Mahajan, Nayana (2006), An Introduction to Market-based Instruments for Agricultural Price Risk Management.
11. Kenneth D. Frederick (1970), Production Controls under the International Coffee Agreements: An Evaluation of Brazil's Programs, Journal of Interamerican Studies and World Affairs, Vol. 12, No. 2 (Apr., 1970), pp. 255-270.
12. Daviron, Benoit và Ponte, Stefano (2006), The Coffee Paradox: Global Markets, Commodity Trade and the Elusive Promise of Development, Zed Books.
13. Trung tâm Thông tin Nông nghiệp vàPhát triển Nông thôn (ICARD) – Oxfam Anh và Oxfam Hồng Kông (2002), Ảnh hưởng của thương mại cà phê toàn cầu đến người trồng cà phê tỉnh Đăk Lăk – Phân tíchvà khuyến nghị chính sách.
14. Phan Sỹ Hiếu (2002), Báo cáo nền: Tổngquan ngành cà phê Việt Nam. Hà Nội.
nguồn Nguyễn Hoàng Mỹ Phương, 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét