Cung cà phê thế giới sắp khan hiếm chưa từng thấy
Cung cà phê thế giới cuối niên vụ 2016/17 sẽ khan hiếm chưa từng có trong lịch sử, bởi sản lượng robusta giảm, sản lượng của Brazil thấp nhất trong vòng 7 năm nên mặc dù sản lượng arabica cao kỷ lục cũng không bù đắp đủ
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo chính thức đầu tiên về vụ 2016/17 vừa công bố cho biết tồn trữ cà phê thế giới sẽ giảm năm thứ 2 liên tiếp trong niên vụ 2016/17, với mức giảm 3,9 triệu bao xuống 31,5 triệu bao (1 bao = 60 kg). Đây là mức thấp chưa từng có kể từ vụ 2011/12, và tỷ lệ “tồn trữ-sử dụng” sẽ chì còn 20,9%, mức thấp thứ 2 trong vòng hơn 50 năm qua.
Tỷ lệ tồn trữ-sử dụng – thước đo về khối lượng tồn trữ – là chỉ báo để người mua quyết định có sẵn sàng trả giá cao hơn hay không, do vậy nó được xem là thước đo quan trọng về giá cả.
Bệnh rỉ sắt trên lá lây lan
Dự báo tồn trữ vẫn giảm mặc dù sản lượng arabica thế giới niên vụ 2016/17 cao kỷ lục – sẽ tăng gần 7,8 triệu bao lên 94,1 triệu bao nhờ bội thu ở Brazil.
“Sản lượng của Brazil dự báo sẽ tăng 7,8 triệu bao lên kỷ lục 43,9 triệu bao nhờ năng suất cải thiện”, báo cáo của USDA viết.
“Trong giai đoạn cây ra hoa, tháng 9 – tháng 11, và cả giai đoạn cây đậu quả và quả lớn dần, thời tiết rất lý tưởng ở cả Minas Gerais và Sao Paulo, hai khu vực chiếm khoảng 80% sản lượng của Brazil. “
Tại Honduras, nước sản xuất arabica lớn thứ 4 thế giới, bệnh rỉ sắt trên lá gần đây đã giảm nhiều đem lại hy vọng sẽ thu hoạch kỷ lục 6,1 triệu bao, tăng khoảng 400.000 bao so với năm trước.
Tuy nhiên, sản lượng dự báo sẽ giảm khoảng 300.000 b ao ở nước sản xuất lớn thứ 2 là Colombia “do dự báo sẽ có nhiều trận mưa lớn vào cuối năm 2016”, và sẽ có khoảng 10% diện tích cà phê ở khu vực miền trung bị bệnh sâu đục thân, tăng gấp đôi so với dự báo trước đây.
USDA dự báo mưa quá nhiều do La Nina sẽ ảnh hưởng tới việc thu hoạch trong giai đoạn tháng 4 – tháng 6, và “mưa quá nhiều sẽ không chỉ ảnh hưởng tới quá trình ra hoa mà còn tạo điều kiện cho bệnh rỉ sắt lây lan”.
Hạn hán nghiêm trọng
Trong khi đó, sản lượng robusta thế giới dự báo sẽ giảm gần 5,4 triệu bao xuống mức thấp nhất 5 năm là 61,6 triệu bao, trong đó sản lượng ở cả 5 nước sản xuất hàng đầu – Việt Nam, Brazil, Indonesia, Ấn Độ và Uganda – sẽ đều giảm sút.
Sản lượng của Việt Nam dự báo sẽ giảm 2 triệu bao xuống 27,3 triệu bao do “nhiệt độ quá cao cộng với thời tiết khô hạn trong giai đoạn tháng 1 – 4 làm giảm năng suất”.
Tại Brazil, sản lượng robusta cũng sẽ giảm khoảng 1,2 triệu bao xuống mức thấp nhất 7 năm là 12,1 triệu bao “do nhiệt độ nóng hơn mức trung bình và khô hạn kéo dài ở Espirito Santo, nơi sản xuất robusta chính của Brazil”.
Sản lượng của Indonesia, nước sản xuất robusta lớn thứ 3 thế giới, sẽ giảm 1,8 triệu bao so với năm trước, xuống 10 triệu bao “do khô hạn trầm trọng ở hầu khắp quốc gia này”.
“Khô hạn ảnh hưởng tới cây trong quá trình ra hoa và kể cả giai đoạn quả sắp chín ở các khu vực trồng cà phê chính là Sumatra và Java, nơi đóng góp khoảng 75% sản lượng cà phê robusta nước này”.
Hạn chế xuất khẩu
Thương mại cà phê sẽ bị ảnh hưởng bởi sản lượng giảm. Xuất khẩu dự báo giảm 3 triệu bao xuóng 109,9 triê3ụ bao, trong đó giảm mạnh nhất là Indonesia – giảm 1,9 triệu bao xuống 6,1 triệu bao.
“Xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm sau khi đạt mức cao kỷ lục năm ngoái do sự giảm sút từ Indonesia, Việt Nam và Brazil”.
Xuất khẩu của Brazil dự báo sẽ giảm năm thứ 2 liên tiếp, giảm 720.000 bao xuống 32 triệu bao. Do vậy, tồn trữ cà phê Brazil – arabica + robusta – sẽ hồi phục nhẹ 265.000 bao lên 2,5 triệu bao, song vẫn thấp hơn mức cao 12 triệu bao của niên vụ 2013/14.
Tồn trữ của Việt Nam sẽ giảm mạnh, xuống 3,5 triệu bao.
“Sau hai năm liên tiếp cao, tồn trrữ cà phê dự báo sẽ giảm 2,2 triệu bao”, báo cáo của USDA viết.
Niên vụ cà phê ở đa số các nước kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau, trừ một số ít nước từ tháng 4 đến tháng 3 hoặc từ tháng 7 đến tháng 6.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét