WHO sửa lại cảnh báo, coi cà phê không phải chất gây ung thư
Một nghiên cứu mới đây cho thấy cà phê không phải là loại thực phẩm có khả năng gây ung thư.
Kể từ năm 1991, cà phê đã được dán nhãn "có thể gây ung thư". IARC – Cơ quan quốc tế về nghiên cứu ung thư của WHO (tổ chức y tế thế giới) – đã xếp cà phê vào nhóm 2B của những nhất có khả năng gây ung thư cho người. Cụ thể, cơ quan này cho rằng uống cà phê tiềm ẩn nguy cơ gây "ung thư bàng quang" cho con người.
Hai mươi năm sau, một nhóm các nhà khoa học thuộc IARC đã tiến hành xem xét lại các căn cứ khẳng định cà phê có thể gây ung thư. Nhóm này gồm 23 chuyên gia đến từ khắp nơi trên thế giới cùng 7 nhà quan sát làm việc từ ngày 24 đến 31 tháng 5 năm 2016 để đánh giá những tác động gây ung thư của "cà phê và đồ uống rất nóng".
Lần này, dựa trên các tài liệu có sẵn, nhóm nghiên cứu quyết định hạ cấp cà phê trong bản phân loại các chất gây ung thư. Cụ thể, bạn có thể tìm thấy cà phê trong bảng số 3 của xếp hạng này, đó là danh sách các chất "không gây ung thư đối với người". Đối với những người yêu cà phê, đây quả là một tin tức tuyệt vời.
IARC đánh giá các chất gây ung thư dựa trên tiêu chí nào?
IARC có một hệ thống phân loại các chất gây ung thư với các cấp độ từ 1 (gây ung thư) đến 4 (có lẽ không gây ung thư). Các chuyên gia đánh giá dựa trên một số bằng chứng, bao gồm các nghiên cứu về bệnh ung thư ở người, các nghiên cứu về ung thư ở động vật, các nguồn tiếp xúc và cơ chế (cách thức gây ung thư của các chất).
Không ngạc nhiên khi IARC xếp những chất như asen, formaldehyde, khí thải động cơ diesel và thuốc lá vào nhóm 1 (những chất có nguy cơ rất cao gây ung thư).
Ở nhóm 2 (cả nhóm 2A và 2B) là những chất có bằng chứng rất hạn chế về khả năng gây ung thư ở người. Cụ thể, nhóm 2B là "có thể gây ung thư" và nhóm 2A "có thể là nguyên nhân gây ung thư". Những chất trong nhóm này có thể được nâng cấp lên nhóm trên nếu các thử nghiệm trên động vật phát hiện ra có mối liên quan đến ung thư.
Để khẳng định cà phê không phải chất gây ung thư, các chuyên gia đã sử dụng kết quả của hơn 1.000 nghiên cứu khác nhau. Trong báo cáo của mình, nhóm nghiên cứu IARC (2016) cho rằng mối liên quan giữa cà phê và ung thư bàng quang theo nghiên cứu trước đây là do các nhà khoa học chưa đánh giá tác động kèm theo của việc hút thuốc lá.
Cà phê tốt cho bạn
Hơn một nửa số người Mỹ uống cà phê mỗi ngày (trung bình khoảng 3 tách).
Nếu bạn thích uống cà phê thì tin tốt lành là bạn không phải cắt giảm nó. Thậm chí nếu bạn uống cà phê điều độ thì còn có lợi cho sức khỏe.
Mặc dù định nghĩa "vừa phải" thay đổi giữa các nghiên cứu nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng mức tiêu thụ cà phê trung bình mỗi ngày nên từ 3 đến 5 tách. Một tách cà phê theo tiêu chuẩn chứa khoảng 108 mg caffeine nhưng thường tại các cửa hàng, 1 tách cà phê chứa hơn 162 mg caffeine. Nhưng liều lượng caffeine tiêu thụ mỗi ngày còn phụ thuộc vào "cơ địa" của mỗi người. Theo các nhà nghiên cứu từ phòng khám Mayo thì 400 mg caffeine/ngày (khoảng 4 tách cà phê) là tốt cho một người khỏe mạnh.
Nghiên cứu mới nhất từ Harvard School of Public Health cho thấy tiêu thụ một lượng cà phê vừa phải sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Nếu cho rằng thước đo sức khỏe thực dụng nhất là cái chết thì việc tiêu thụ cà phê vừa phải sẽ giúp cho con người giảm thiểu nguy cơ tử vong. Một số nghiên cứu còn chứng minh rằng uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, suy tim, bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh Parkinson.
Các phân tích của nhóm IARC cho thấy uống cà phê có liên quan đến việc giảm tỷ lệ mắc chứng ung thư nói chung và đặc biệt là ung thư gan, ung thư nội mạc tử cung. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy cà phê không có tác dụng đối với bệnh ung thư vú, ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt.
Mặc dù trước đây có quan niệm cho rằng phụ nữ mang thai không nên uống cà phê nhưng các bác sỹ sản khoa cho rằng sẽ là an toàn nếu chỉ tiêu thụ khoảng 200 mg caffeine mỗi ngày. Như vậy phụ nữ mang thai không cần thiết phải bỏ cà phê mà họ chỉ cần lưu ý là không uống vượt quá 1 tách cà phê mỗi ngày.
Điều gì sẽ xảy ra khi uống cà phê hay các loại thức uống ở nhiệt độ "rất nóng"?
Nghiên cứu mới nhất của IARC cũng đem đến một thông tin hết sức thú vị: "uống cà phê là tốt nhưng chỉ khi nó không quá nóng". Và họ định nghĩa mức "quá nóng" là trên 65 độ C. Một loại đồ uống "quá nóng" (không riêng gì cà phê) sẽ được xếp vào nhóm 2B (có thể gây ung thư).
Nguyên nhân là nhiệt độ cao có thể tác động lên các tế bào thực quản. Nghiên cứu cũng khẳng định việc uống trà, cà phê… quá nóng như tại một số nước châu Á có thể dẫn đến nguyên nhân gây ung thư.
Cần lưu ý thêm rằng cà phê không phải tuyệt vời cho tất cả mọi người. Sử dụng caffeine hạng nặng (trên 500 mg/ngày) sẽ dẫn đến các tác dụng phụ như mất ngủ, lo lắng, bồn chồn, khó chịu, đau bụng, tim đập nhanh và run cơ bắp. Một số người nhạy cảm với caffeine hơn so với người khác, nghĩa là những tác dụng phụ kể trên có thể xảy ra dù chỉ uống một lượng caffeine rất nhỏ. Do đó, nếu quá nhạy cảm với caffeine, bạn nên cân nhắc mỗi khi uống cà phê.
Nếu yêu thích cà phê, hãy tiếp tục thưởng thức nó một cách điều độ nhưng khi có dấu hiệu sức khỏe không tốt, hãy cắt giảm nó và tìm đến bác sỹ để có lời khuyên tốt nhất.
Bạch Đằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét