Đắk Lắk: Trắng tay vì hạn
Huyện Ea Súp được xem là “chảo lửa” trong nắng hạn. Nhiều tháng qua, nông dân buồn rầu nhìn những cánh đồng nứt nẻ, cây cối chết khô; lượng thức ăn, nước uống cho chăn nuôi trở nên khan hiếm. Tính đến đầu tháng 5-2016, toàn huyện đã có gần 300 con gia súc, gia cầm chết do hạn (gồm 183 con trâu bò, 7 con dê và 91 con gia cầm). Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp, nguyên nhân tình trạng vật nuôi bị chết là do không có đủ lượng thức ăn, nước uống trong thời gian dài, dẫn đến kiệt sức, yếu dần và chết khi gặp thời tiết nắng nóng.
Tình trạng trâu, bò chết chủ yếu xảy ra ở các hộ gia đình từ tỉnh khác đến chăn nuôi, không chủ động dự trữ được nguồn thức ăn, nước uống. Anh Trần Định Phước ở thôn 3 xã Ia R’vê than thở, chưa năm nào hạn hán lại diễn ra khốc liệt như năm nay. Mùa khô năm ngoái, đàn bò của gia đình anh (7 con) chăn thả ven rừng vẫn có thể kiếm được thức ăn, nước uống ở ven suối. Nhưng năm nay, các suối trên địa bàn đều cạn nước, cỏ cây chết khô, việc chăn nuôi bò trở nên khó khăn hơn.
Hiện gia đình anh đã có 5 con bò bị chết do đói khát. “Vốn liếng của gia đình đều dốc hết vào đàn bò, thế nhưng khi bò chết thì thương lái lại ép giá, chỉ mua từ 5-7 triệu đồng/con, thấp hơn 3- 4 lần so với giá trị thực trên thị trường”- anh Phước nghẹn ngào.
Còn tại xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, nhiều hộ dân đang đứng trước nguy cơ thiếu đói. Chị Nguyễn Thị Hồng Phương ở thôn 6 ngậm ngùi cho biết, chồng mất sớm, cuộc sống gia đình chị chỉ trông chờ vào 2 ha cà phê. Ngoài ra, thời gian nông nhàn chị còn làm thuê cho những hộ khác trong xã để kiếm tiền nuôi 6 đứa con.
Năm nay hạn nặng, 2 ha cà phê của gia đình chị đã bị chết khô do không còn nước tưới. Nhiều diện tích cây trồng của người dân trong xã cũng mất trắng nên không có ai thuê chị làm nữa. Cách đó không xa, ông Đào Xuân Tân (ở thôn 4) cũng đứng ngồi không yên vì vườn tiêu 3 sào của gia đình đang héo dần mà không có giải pháp nào cứu vãn.
Ông Tân rầu rĩ: “Giếng nước của gia đình tôi chưa bao giờ cạn, thế mà năm nay tôi đã thuê người đào thêm 10 m nữa nhưng mỗi ngày cũng chỉ tưới được 15 phút đã hết nước. Cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào vườn tiêu, nhưng ngay cả nước sinh hoạt cũng đang khan hiếm thì lấy đâu ra nước mà cứu cây trồng…”
Theo thống kê sơ bộ của Sở NN-PTNT, tính đến đầu tháng 5-2016, toàn tỉnh có khoảng 58.655 ha cây trồng bị khô hạn nặng, trong đó diện tích mất trắng là 1.878 ha lúa, 4.984 ha cà phê, hàng trăm ha tiêu và hoa màu khác… Thiệt hại ước tính trên 1.800 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, sở đã tăng cường phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đôn đốc các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khô hạn, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các giải pháp chống hạn; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông phổ biến, tuyên truyền công tác chống hạn. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong công tác chống hạn; bố trí ngân sách dự phòng, huy động nguồn lực trong nhân dân tích cực chống hạn, bảo vệ sản xuất và bảo đảm nước sinh hoạt.
Trước mắt, UBND tỉnh đã bố trí 1,6 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng địa phương và 22,4 tỷ đồng Trung ương hỗ trợ để phân khai cho các địa phương thực hiện chống hạn. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo cứu đói giáp hạt và hạn hán cho các hộ dân thiếu đói, hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.
bcce
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét