Our Blog

Áp dụng KH&CN nâng cao chất lượng cà phê tại Việt Nam

Áp dụng KH&CN nâng cao chất lượng cà phê tại Việt Nam



VN từ một nước sản xuất cà phê chưa được biết đến đã vươn lên chiếm vị trí thứ hai về sản lượng cà phê cung cấp cho thị trường thế giới.




Đồng thời, đứng hàng thứ nhất về cà phê vối chỉ trong gần hai thập niên qua. Khoa học và Công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong kết quả này.

Tăng cường áp dụng KH&CN 


Hiện nay, diện tích cà phê cả nước là 641 ngàn ha gồm hai loại chính là cà phê vối (Robusta) và cà phê chè (Arabica). Trong đó diện tích cà phê vối chiếm trên 95% tổng diện tích được trồng. Cà phê được trồng chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và vùng đồi núi phía Bắc. Tây Nguyên được xem là vùng trọng điểm cà phê của nước ta. Theo con số thống kê của Cục Trồng trọt năm 2014, sản lượng cà phê nước ta đạt hơn 1,7 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,6 tỷ USD.

Tuy có sản lượng hàng hóa và giá trị xuất khẩu cao nhưng sản phẩm cà phê Việt Nam vẫn bị đánh giá là có chất lượng sản phẩm không cao, thiếu ổn định và hệ thống sản xuất vẫn tiềm ẩn yếu tố kém bền vững do tình trạng sử dụng lãng phí và chưa hợp lý các nguồn tài nguyên và vật tư đầu vào.

Trong thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu về hiện trạng áp dụng các biện pháp canh tác trong sản xuất cà phê, từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý nhất nhằm nâng cao năng suất chất lượng cà phê như: sử dụng giống năng suất cao, kháng bệnh gỉ sắt; sử dụng phân bón hợp lý, cân đối; quản lý về nước tưới; quản lý sâu bệnh hại tổng hợp; quản lý về cây che bóng... để cà phê đạt năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế. 

Tuy nhiên mức độ áp dụng vẫn còn hạn chế và chưa mang tính đồng bộ, người sản xuất vẫn hạn chế áp dụng các tiến bộ mới và vẫn canh tác theo kinh nghiệm và thiếu cơ sở khoa học. Đặc biệt là các mức khuyến cáo chung về phân bón, lượng nước tưới,… vẫn chưa thực sự đáp ứng đúng nhu cầu và điều kiện sinh thái của các vườn cây.

Trong bối cảnh hiện nay, các chi phí vật tư, công lao động đầu vào ngày càng tăng nhanh, ngành cà phê đang tập trung chuyển hướng sang sản xuất cà phê bền vững, cà phê cấp chứng chỉ (4C, Utz, Eurogap, ...) để đáp ứng yêu cầu hội nhập thì việc tăng cường quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) cho cây cà phê nhằm giảm chi phí giá thành hơn nữa, tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm.

Vì vậy, tổng hợp các kết quả nghiên cứu về quản lý cây trồng tổng hợp cũng như phân tích và đánh giá các giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp áp dụng cho cây trồng nói chung và cà phê nói riêng, rút ra những kinh nghiệm và làm cơ sở để nghiên cứu hoàn thiện quy trình ICM và thực hiện mô hình cho cây cà phê là rất cần thiết hiện nay.

Với mục đích trên, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) áp dụng cho cây cà phê", nhằm có những bổ sung, đánh giá hoàn thiện quy trình phục vụ cho việc phổ biến vào sản xuất. Đề tài được giao cho TS. Lê Ngọc Báu (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) làm Chủ nhiệm.

TS. Lê Ngọc Báu cho biết, Đề tài được triển khai nhằm hoàn thiện quy trình quản lý cây trồng tổng hợp cho cà phê vối giống chọn lọc, cà phê vối giống đại trà và cà phê chè trên các vùng sinh thái khác nhau; xây dựng 6 mô hình quản lý cây trồng tổng hợp trên cà phê.

Do vậy, để đạt được mục tiêu đặt ra, Đề tài áp dụng cách tiếp cận một cách có hệ thống, nghiên cứu thực nghiệm trên diện tích khoảng 2 ha cho quy trình ICM giả định với các kỹ thuật hợp lý nhằm đạt hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của các quy trình ICM tạm thời ở các thí nghiệm, xây dựng các quy trình ICM hiệu chỉnh cho cà phê để xây dựng mô hình mẫu lớn với quy mô diện tích khoảng 5 ha/mô hình ở các vùng sinh thái khác nhau.


http://baodatviet.vn/khoa-hoc/ap-dung-khampcn-nang-cao-chat-luong-ca-phe-tai-viet-nam-3307501/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà Phê Tây Nguyên Designed by Templateism | MyBloggerLab Copyright © 2014

Hình ảnh chủ đề của richcano. Được tạo bởi Blogger.