Vinacafé lần đầu báo lỗ, cà phê hòa tan đã hết "ngon" ?
Vinacafé muốn bảo vệ thị phần phải bỏ ra nhiều tiền để chi cho quảng cáo, chiết khấu, khuyến mãi…Nhưng ngặt một nỗi, trong những năm gần đây, chi phí bán hàng của VCF đã không ngừng tăng mạnh, nhưng doanh thu thì không tăng tương xứng.
CTCP Vinacafé Biên Hòa(HOSE:VCF) vừa công bố BCTC quý 1/2016 với lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 2 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên VCF báo lỗ từ khi niêm yết trên sàn.
Trong quý 1/2016, doanh thu thuần VCF đạt mức 444 tỷ đồng, giảm 6% so cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên chứng kiến doanh thu quý 1 của VCF giảm so với năm trước. Với kết quả trong quý 1 năm nay, doanh thu VCF còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014.
Điều này hoàn toàn trái ngược với những dự đoán về tiềm năng tăng trưởng trước đó của VCF, khi giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh cùng với sự đi xuống của Trung Nguyên.
Cạnh tranh khốc liệt
Với sự sụt giảm giá mạnh của giá cà phê nguyên liệu, thị trường cà phê rang xay và hòa tan ngày càng trở nên hấp dẫn. Chính vì thế đã thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia. Điều này tạo nên cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, được thể hiện bằng việc các nhà máy chế biến cà phê lớn liên tục ra đời và hoạt động hết công suất.
Năm 2015, sự suy yếu của Trung Nguyên do tranh chấp nội bộ đã không những khiến cho cuộc chiến thị phần giảm sút, ngược lại còn hút thêm nhiều tên tuổi khác lấn sân sang thị trường.
Theo Vicofa cho biết Việt Nam hiện là nơi có khoảng 20 nhà máy chế biến cà phê, có khả năng sản xuất trên 75 ngàn tấn cà phê hòa tan mỗi năm và con số này đang không ngừng tăng lên. Ngoài các tên tuổi quen thuộc như: Vinacafe, Nescafe, Trung Nguyên, còn có vô số nhãn hiệu của các doanh nghiệp nhỏ như: Thái Hòa, An Thái, Phú Thái …
Đáng chú ý là sự cạnh tranh gay gắt đến từ các đối tượng nặng ký mới gia nhập thị trường như Phin Deli hay Dao Heuang Group (DHG) - nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất của Lào khiến cho miếng bánh ngày càng thu nhỏ lại chứ không chỉ có thế chân vạc của Trung Nguyên, Netslé, Vinacafe Biên Hoà như 2-3 năm trước.
Các hãng đều tranh nhau tung hàng triệu USD cho những chiến dịch tiếp thị “bom tấn” để giành thị phần mới. Chính điều này đặt VCF vào cảnh buộc phải tăng cường hoạt động tiếp thị để giữ vững thị phần. Theo như giải trình từ VCF, nguyên nhân thua lỗ là do trong kỳ công ty thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, chiết khấu và quảng bá sản phẩm nên chi phí bán hàng tăng mạnh.
Trong quý này, mặc dù giá vốn hàng bán giảm đến 17% giúp lãi gộp VCF trong kỳ tăng 38%, đạt hơn 127 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng tăng mạnh 56% lên gần 123 tỷ đồng đã cắn đứt phần lợi nhuận của VCF. Điều này cho thấy, mỗi đồng doanh thu có được, VCF đã phải chi ra hơn ¼ cho chi phí bán hàng.
VCF muốn bảo vệ thị phần phải bỏ ra nhiều tiền để chi cho quảng cáo, chiết khấu, khuyến mãi…Nhưng ngặt một nỗi, trong những năm gần đây, chi phí bán hàng của VCF đã không ngừng tăng mạnh, nhưng doanh thu thì không tăng tương xứng. Điều này cho thấy rằng, tình hình cạnh tranh hiện nay đã hoàn toàn khác, các đối thủ cũng khác, do đó quảng cáo, chiết khấu là chưa đủ để tăng được doanh số.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn đều đang “loay hoay” với việc đẩy mạnh hơn nữa sức tiêu thụ cà phê hòa tan và thay đổi thói quen uống cà phê phin của người Việt. Tuy nhiên, xu hướng này đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng bất lợi.
Trong ĐHCĐ thường niên năm 2016, ông Nguyễn Tân Kỷ - TGĐ VCF cho biết VCF vẫn duy trì được thị phần dẫn đầu nhưng doanh số không như kỳ vọng. Đối với các sản phẩm mới tung ra, tỷ lệ thành công chỉ khoảng 20% nhưng nếu không tung sản phẩm mới thì không thể tăng trưởng.
Thông điệp của VCF đang cho thấy mặc dù thị phần vẫn được giữ nhưng dường như quy mô thị trường thì không những tăng lên mà giảm sút. Điều này chứng tỏ ngoài sự cạnh tranh từ các sản phẩm tương đồng thì sự cạnh tranh đến từ sản phẩm cà phê rang xay đang ngày càng mạnh mẽ.
Trong khoảng thời gian 2-3 năm gần đây, thị trường cà phê chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong cách uống cà phê của người tiêu dùng. Nhiều nhận xét xu hướng tiêu dùng cà phê hòa tan đang có biểu hiện giảm so với cà phê rang xay. Điều này đồng nghĩa với thị trường cà phê hòa tan trong nước đang có biểu hiện của sự bão hòa. Và sự giảm sút về doanh thu của Vinacafé là không thể tránh khỏi.
Với việc Masan Beverage nắm giữ trên 60% cổ phần, và sự rút lui của Tổng Công Ty Cà Phê Việt Nam vào cuối năm 2015, sắp tới VCF được dự báo sẽ có những chuyển biến mới. Một số nhận định cho rằng, sự đi xuống của VCF là do một phần đến từ việc chuyển dần sang sản xuất kinh doanh nước giải khát khi hợp tác cùng Vĩnh Hảo (một công ty con của Masan), đã khiến cho VFC phân tán nguồn lực duy trì mức ổn định trong ngành cốt lõi.
Năm nay, VCF đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.850 tỷ đồng và lãi sau thuế 250 tỷ đồng, giảm 5% và 15% so với thực hiện năm 2015 được đại hội đồng cổ đông thông qua, đồng thời không chia cổ tức, đã 3 năm liên tiếp VCF giữ lại toàn bộ lợi nhuận mà không thực hiện chia cho cổ đông.
Như vậy, có thể nhận thấy một điểm chung kể từ khi Masan thâu tóm VCF, đó là không chia đồng nào cổ tức cho cổ đông theo quan điểm "Trái ngọt nhất ở cuối con đường ". Liệu cổ đông VCF có đủ sức bình tỉnh để chờ đến ngày hái trái ngọt cuối con đường nào đó không?.
theo NDH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét