Our Blog

Tỷ giá gây bất lợi kép cho xuất khẩu nông sản

Tỷ giá gây bất lợi kép cho xuất khẩu nông sản


Xuất khẩu nông sản sụt giảm thời gian qua một phần do các nước ồ ạt phá giá đồng nội tệ, trong khi tiền đồng vẫn được giữ ở mức khá ổn định. Nhận định này được đưa ra Hội thảo Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2016 sáng nay (27/5).



Theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), năm 2015, xuất khẩu nông sản nước ta gặp nhiều khó khăn, một phần do chính sách tỷ giá.
Báo cáo của Ipsard cho thấy, quý I/2016 xuất khẩu một số nông sản trên đà phục hồi nhưng giá trị xuất khẩu tiếp tục giảm. Cụ thể, xuất khẩu gạo, cà phê giảm trên các thị trường lớn và truyền thống như Đức, Mỹ, Ý, Nhật, Bỉ, Nga… Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, Philippines… cũng giảm. Một số mặt hàng xuất khẩu như đồ gỗ, hạt điều, rau quả, hồ tiêu… tuy tăng khá nhưng không bù đắp được sự suy giảm trên.
“Chính sách tỷ giá quốc tế gây bất lợi cho nông sản xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể, năm 2014-2015,  so với USD, đồng Real của Brazil giảm 42%, đồng Peso của Colombia giảm 37%, đồng Rupee của Ấn Độ giảm 5%, đồng Rupiah của Indonesia giảm 13%, đồng Ringgit của Malaysia giảm 19%, đồng Baht Thái Lan giảm 5% trong khi tiền đồng của Việt Nam chỉ giảm 3%”, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng (Ipsard) nhận xét.
Theo phân tích của Ipsard, năm 2015, các đối thủ xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhất là các nước Nam Mỹ và châu Á liên tục phá giá mạnh khiến giá xuất khẩu giảm khá mạnh so với nông sản nước ta.  Trong khi giá cà phê, tôm của các nước đối thủ liên tục giảm mạnh thì giá cà phê, tôm của VN vẫn đứng ở mức cao khiến cà phê Việt Nam dần mất bạn hàng. Trong khi đó, tôm Việt Nam đang có mức giá cao hơn nhiều đối thủ, thậm chí nhiều thời điểm giá tôm Việt Nam cao hươn các nước đối thủ 2 USD/kg.
Bên cạnh đó, đồng tiền các thị trường phát triển giảm mạnh so với USD cũng gây bất lợi kép cho nông sản Việt Nam.  Cụ thể, năm 2014-2015, so với USD, đồng Euro mất giá 20%, đồng Yên Nhật mất giá 14%, khiến nông sản xuất khẩu bằng USD bất lợi trên các thị trường này.
Giá xuất khẩu thấp, cộng bất lợi kép về tỷ giá và chênh lệch giá thành, năng suất thấp khiến khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam bị yếu đi đáng kể thời gian qua.
Chưa kể, các nước xuất khẩu lớn cũng đang tăng cường các biện pháp hỗ trợ nông dân trong sản xuất, xuất khẩu. Cụ thể, Thái Lan, Indonesia, Malaysia giảm diện tích, giảm sản lượng sản xuất lúa, cao su.  Ấn Độ duy trì trợ cấp cao với gạo, tương tự Indonessia và Malaysia duy trì trợ cấp cao với cao su. Thái Lan hợp tác nhà nước – tư nhân trong nghiên nghiên cứu thủy sản.
Về triển vọng thị trường nông sản năm 2016, ông Sergio René Enciso, Ban Thương mại và Thị trường, chuyên gia FAO cho rằng, thời gian tới, giá nông sản sẽ tương đối ổn định, không có cú sốc nào về giá. Do đó, Việt Nam nên tập trung vào nâng cao chất lượng, chế biến theo chiều sâu, chú trọng phát triển thị trường tiềm năng là rau quả…
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, xuất khẩu nông sản năm 2016 sẽ được hỗ trợ bởi yếu tố thời tiết và tỷ giá.
Cụ thể, về thời tiết, EL Nino tiếp diễn đến nửa đầu năm 2016 khiến sản lượng nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, tôm, cao su, hồ tiêu… tại nhiều quốc gia giảm, khiến giá nông sản có thể tăng.
Về tỷ giá, thứ nhất, đồng Euro và Yên Nhật tăng giá so với đồng USD làm tăng sức mua tại các thị trường lớn, truyền thống. Thứ hai, đồng Bath Thái Lan, Rupee Ấn Độ, Real Brazil, Rupiah Indonesia, Ringgit Malaysia tăng giá so với USD, từ đó hỗ trợ giá gạo, cà phê, cao su, thủy sản.Thứ ba, Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2016 và đảo ngược chiều hướng tăng giá các đồng tiền trên.
Riêng về tác động của các Hiệp định thương mại tự do và cả TPP, Ipsard cho rằng, sẽ không có tác động nhiều đến xuất nhập khẩu nông sản.
Với các tác động tiêu cực và tích cực của thị trường, Ipsard khuyến nghị, xuất khẩu nông sản thời gian tới tiếp tục tập trung vào các đối tác truyền thống có nhu cầu tăng trở lại như Philippines, Indonesia (với gạo), Trung Quốc (với cao su, rau quả, hạt điều), với Mỹ (Hồ tiêu, hạt điều, hạt tiêu, đồ gỗ, thủy sản)…
Bên cạnh đó, mở rộng kinh doanh tại các thị trường tiềm năng. Cụ thể, lúa gạo  mở sang thị trường châu Phi và EU, cà phê mở sang thị trường Anh, Ba Lan, Séc, Hà Lan, Phần Lan, Bulgarie, cao su mở rộng sang thị trường Ấn Độ, Malayssia, Mỹ, hồ tiêu, hạt điều mở rộng sang thị trường Trung Đông và châu Á, thủy sản tấn công sang thị trường Châu Á (nhất là Trung Quốc) và Mỹ Latin. Rau quả chú ý thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, NewwwZealand, Hàn Quốc, EU, Ấn Độ, Chi lê. Sản phẩm gỗ và đồ gỗ tập trung vào thị trường mới là Nga…
Bên cạnh tập trung khai phá thị trường mới, đẩy mạnh thị trường truyền thống, các chuyên gia cũng khuyến nghị, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành, thắt chặt quản lý buôn lậu và gian lận thương mại, linh hoạt hơn trong các chính sách về tỷ giá… để hỗ trợ xuất khẩu.
Hà Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà Phê Tây Nguyên Designed by Templateism | MyBloggerLab Copyright © 2014

Hình ảnh chủ đề của richcano. Được tạo bởi Blogger.