Our Blog

Sớm tháo gỡ khó khăn trong chính sách tín dụng phát triển cà-phê trên địa bàn Tây Nguyên và Đông Nam Bộ

Sớm tháo gỡ khó khăn trong chính sách tín dụng phát triển cà-phê trên địa bàn Tây Nguyên và Đông Nam Bộ



NDĐT - Ngày 13-5, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối hợp UBND tỉnh Đác Lắc tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển cà-phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Văn phòng Chính phủ, Bộ NN và PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, các đơn vị, doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết quý I-2016, dư nợ cho vay phát triển cà-phê toàn quốc đạt khoảng 48.192 tỷ đồng, tăng 6,15% so với cuối năm 2015, với 340 nghìn khách hàng còn dư nợ, gồm cho vay trồng, chăm sóc cà-phê đạt 22.813 tỷ đồng; cho vay thu mua, chế biến cà-phê đạt 13.315 tỷ đồng; cho vay phục vụ xuất khẩu cà-phê đạt 12.064 tỷ đồng. 
Trong đó, dư nợ cho vay cà-phê tại khu vực Tây Nguyên đạt 39.179 tỷ đồng, chiếm 81,29% dư nợ cho vay cà-phê toàn quốc, tập trung ở bốn tỉnh trọng điểm sản xuất cà-phê của cả nước là Đác Lắc, Lâm Đồng, Gia Lai và Đác Nông… Dư nợ cho vay cà-phê tại khu vực Đông Nam Bộ đạt 6.608 tỷ đồng, chiếm 13,71% dư nợ cho vay cà-phê toàn quốc. Đối với dư nợ cho vay tái canh cà-phê tại các tỉnh Tây Nguyên đạt 758,13 tỷ đồng, tăng 10,67% so với tháng 6-2015, với diện tích cà-phê tái canh là 9.479 ha, gồm 5.932 khách hàng vay.
Việc đầu tư vốn tín dụng đối với ngành cà-phê nhìn chung đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà-phê của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ. Nguồn vốn tín dụng phục vụ tái canh cà-phê bước đầu đã giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí ưu đãi phục vụ tái canh, phát triển bền vững cây cà-phê…
Tuy nhiên, tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh và Sở NN và PTNT các tỉnh, các doanh nghiệp cũng nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong đầu tư tín dụng đối với ngành cà-phê như: Giá cà-phê trong những năm qua thường xuyên biến động bất thường do tác động của cà-phê thế giới, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, doanh nghiệp sản xuất cà-phê. Đến nay, sản xuất cà-phê ở Việt Nam nói chung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nói riêng vẫn chủ yếu theo hình thức kinh tế hộ, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết với các doanh nghiệp thu mua, cơ sở chế biến nên thường bị thương lái ép giá và ảnh hưởng đến việc xem xét, thẩm định cho vay của tổ chức tín dụng. 
Một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh cà-phê đang có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, năng lực tài chính còn hạn chế nên các tổ chức tín dụng gặp khó khăn khi xem xét cho vay. Lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước còn cao, chưa phù hợp với mặt bằng lãi suất chung, hiện nay là 8,55%/năm, không có sự chênh lệch nhiều so với lãi suất cho vay thương mại nên chưa khuyến khích được các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư cho các dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ chế biến cà-phê. 
Việc trồng tái canh cà-phê theo quy trình của Cục trồng trọt Bộ NN và PTNT quy định thời gian luân canh cải tạo đất ít nhất là hai năm sau khi nhổ bỏ và ba năm sau khi trồng mới bắt đầu thu hoạch. Trên thực tế nông dân rất khó khăn thực hiện theo quy trình này vì ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trong vòng năm, sáu năm thực hiện tái canh cà-phê. Bên cạnh đó, giá chuyển nhượng thực tế vườn cà-phê rất cao nhưng khi xác định giá trị để thế chấp vay vốn thì chỉ được tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hằng năm, gây nhiều khó khăn cho nông dân và ngân hàng xem xét cho vay vốn. 
Một số công ty cà-phê tại các tỉnh Tây Nguyên được chuyển đổi từ mô hình nông-lâm trường quốc doanh, đất sản xuất đã giao khoán cho các hộ nông dân, tuy nhiên công ty vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gây khó khăn cho các hộ dân khi có nhu cầu vay vốn để tái canh cà-phê do không có tài sản thế chấp…
Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị.
Tại hội nghị đã thảo luận và thống nhất trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư tín dụng để phát triển bền vững ngành cà-phê, trong đó, tập trung vào các mục tiêu từ khâu trồng, chăm sóc đến thu mua, chế biến xuất khẩu. 
Ngân hàng NN và PTNT tiếp tục đẩy mạnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp thực hiện tái canh các vườn cà-phê già cỗi, bị sâu bệnh. Các tổ chức tín dụng cũng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh cà-phê, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, hỗ trợ tăng cường năng lực chế biến sâu trong ngành cà-phê, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 
Các tổ chức tín dụng cũng cam kết cho vay xây dựng hệ thống kho chứa, đầu tư máy móc thiết bị sản xuất cà-phê theo chính sách ưu đãi đã được Nhà nước quy định…
Các đại biểu cũng đề nghị Bộ NN và PTNT phối hợp các bộ, ngành, các địa phương có liên quan nghiên cứu, ban hành chính sách quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển cà-phê bền vững, hợp lý, đồng bộ nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà-phê. 
Đề nghị Bộ NN và PTNT sớm sửa đổi quy trình tái canh cà-phê cho phù hợp với quy mô nông hộ có diện tích nhỏ lẻ, điều kiện thực tế của từng địa phương, đồng thời nghiên cứu ban hành quy trình tái canh cà-phê theo phương pháp ghép cải tạo. Hỗ trợ về giống, kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, xây dựng thương hiệu và cung cấp thông tin về thị trường, quảng bá sản phẩm cà-phê của Việt Nam. 
Tổ chức việc tiêu thụ cà-phê theo hướng hiện đại, hiệu quả, đồng thời có chính sách để ổn định giá cà-phê trên thị trường trong nước bảo đảm lợi ích cho người trồng cà-phê….
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Quốc Doanh ghi nhận ý kiến, đề xuất của các đại biểu liên quan đến chính sách tín dụng phục vụ phát triển cà-phê cả nước nói chung, trên địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam Bộ nói riêng. 
Bộ NN và PTNT sẽ nghiên cứu, xem xét và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền của bộ, đồng thời phối hợp các bộ tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ những khó khăn liên quan đến chính sách tín dụng này. 
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngân hàng và các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho nhân dân biết chương trình tín dụng tái canh cà-phê; đối với ngân hàng cần xem xét, đơn giản thủ tục, điều kiện cho vay, hạ mức lãi suất vay xuống thấp hơn. 
Cục Trồng trọt có kế hoạch cụ thể hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch đối với chương trình tái canh cà-phê; tăng cường quản lý chất lượng giống, phân bón, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nhằm tăng năng suất và chất lượng cà-phê…

NGUYỄN CÔNG LÝ

http://www.nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/29581302-som-thao-go-kho-khan-trong-chinh-sach-tin-dung-phat-trien-ca-phe-tren-dia-ban-tay-nguyen-va-dong-nam-bo.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà Phê Tây Nguyên Designed by Templateism | MyBloggerLab Copyright © 2014

Hình ảnh chủ đề của richcano. Được tạo bởi Blogger.