Our Blog

Bàn tay vô hình đang thao túng giá cà phê

Bàn tay vô hình đang thao túng giá cà phê



Xuống thấp nhất trong vòng ba năm qua, chưa bao giờ giá cà phê lại tụt dốc không phanh như thời điểm này. Cà phê Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “vỡ ngành” bởi một “bàn tay” vô hình.
Đây là thực trạng của ngành cà phê Việt Nam mà chính những người làm trong ngành cũng khó lý giải khi chỉ đúng một năm về trước, giá cà phê vẫn được giữ ổn định ở mức cao và liên tục ba năm qua ngành cà phê trong nước vẫn giữ được giá tốt.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, mặc dù vừa kết thúc niên vụ 2012 – 2013 nhưng những người làm trong ngành cà phê buồn nhiều hơn vui. “Năm rồi cà phê đứng đầu về giá trị xuất khẩu so với các ngành nông sản khác. Ba năm qua vẫn giữ được giá tốt. Năm nay buông tay”, ông Nam chua chát.
Thực tế, hiện người sản xuất cà phê đang lỗ nặng. Cụ thể, chi phí sản xuất cho 1 ha cà phê lên tới 75 triệu đồng, năng suất chỉ đạt trung bình 2,4 tấn/ha, trong khi giá bán cà phê nhân xô hiện tại chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg (so với mức đỉnh điểm 44.200 đồng/kg vào tháng 3, 4/2013).
Theo đó, giá FOB tại cảng TP.HCM cũng giảm xuống, chỉ còn ở mức trên 1.500 USD/tấn – mức thấp nhất trong vòng ba năm qua.
Ai thao túng?
Câu hỏi này cần phải được đặt ra bởi có quá nhiều nghịch lý mà những tổ chức, cá nhân có liên quan không lý giải được hoặc cố tình làm ngơ và không loại trừ khả năng đang có sự đầu cơ, thao túng giá.
Tại Brazil, dự báo của Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, sản lượng cà phê niên vụ 2013 – 2014 chỉ đạt 47,5 triệu bao, giảm 6,5% so với niên vụ 2012 – 2013 do thời tiết xấu. Hiện nay, Brazil chỉ có khoảng 2 triệu ha cà phê đang cho thu hoạch với năng suất bình quân 1,4 tấn/ha (thấp hơn nhiều so với năng suất 2,4 tấn/ha của Việt Nam).
Còn tại Indonesia, tiêu thụ cà phê nội địa của nước này tăng cao khiến khối lượng dành cho xuất khẩu giảm xuống.
Việt Nam với vai trò là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới và là một trong năm nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu khiến cho 40.000 ha cà phê bị sâu bệnh và khoảng 5.000 ha bị mất trắng. Bên cạnh đó, diện tích vườn cây cà phê già cỗi cho năng suất thấp đã lên tới 30% khiến sản lượng cà phê trong nước sụt giảm mạnh.
Trong khi đó, tiêu thụ cà phê thế giới trung bình giai đoạn 2010 – 2012 tăng 2,4%. Riêng năm 2012, mức tiêu thụ tăng 2,1%. Tiêu thụ nội địa của thị trường truyền thống đạt 71,4 triệu bao, tăng 1% so với năm trước.
Tại thị trường Hoa Kỳ, tổng sản lượng tiêu thụ năm 2012 tăng 7%. Đây được xem là mức tăng trưởng khá cao so với mức 3,9% của các năm 2010, 2011. Đặc biệt, tại Australia, năm 2012 tiêu thụ nội địa tăng tới 15,9%, Tây Ban Nha tăng 9,1% so với năm 2011.
Từ các phân tích trên cho thấy, sản lượng cà phê của các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới và cả nội địa đều tăng thì tại sao giá cà phê lại sụt giảm thê thảm như thế? Nghịch lý đang sờ sờ trước mắt và cần phải được làm rõ.
Về nguyên tắc, giá cà phê nguyên liệu đang ở mức thấp, nếu mua vào sẽ có lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cho biết, dù giá đang giảm rất sâu nhưng họ không dám đẩy mạnh thu mua vào thời điểm này vì sợ giá tiếp tục xuống đáy.Với đà này, người sản xuất cà phê đang “chết không kịp ngáp”.
Theo các chuyên gia, rõ ràng có sự thao túng giá cà phê của các đối tượng đầu cơ. “Nếu không mổ xẻ để trị u nhọt này thì ngành cà phê Việt Nam có nguy cơ bị đè bẹp”, một chuyên gia cảnh báo.
VAT làm khổ doanh nghiệp
Từ tháng 6/2013 đến nay, do thay đổi quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Quyết định số 7527/BTC-TCT khiến hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không được hoàn thuế gây ách tắc, buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng mua bán. Nguyên nhân là do chênh lệch giá cà phê cho nhà xuất khẩu chỉ 2 – 3% nếu không được hoàn thuế VAT 5% thì sẽ thua lỗ lớn.
Trong khi đó, EU hiện là khách hàng nhập khẩu cà phê nhân lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 70% lượng cà phê xuất khẩu. Nếu Việt Nam không giải quyết về thuế VAT trước khi vào niên vụ mới 2013 – 2014 thì EU sẽ chuyển thị trường sang Brazil, Ấn Độ, Indonesia và do đó Việt Nam có nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu.
Nam có nguy cơ đánh mất thị trường xuất khẩu.Để tháo gỡ vấn đề này, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa khẳng định: “Chúng tôi ủng hộ chủ trương xử lý nghiêm các doanh nghiệp trốn thuế gây rối thị trường”.
Theo ông Tự, cách làm vừa qua của các cơ quan chức năng “đánh” chưa trúng đích, nhiều doanh nghiệp trốn thuế chưa bị xử lý “trong khi những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, mua hàng của doanh nghiệp cung cấp có hóa đơn tài chính nhưng lại không được hoàn thuế”.“Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính hủy bỏ Quyết định 7527 của Tổng Cục thuế và về lâu dài nên hủy bỏ thuế VAT cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê”, ông Lương Văn Tự đề xuất.Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, để không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước chưa nên bỏ thuế VAT. Trước mắt, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công an phải xử lý triệt để các đối tượng làm ăn bất chính, trốn thuế gây bất ổn trong ngành. Bên cạnh đó, rà soát, chấn chỉnh việc doanh nghiệp nước ngoài thu gom cà phê trong nước nhưng không phải chịu thuế VAT.
Theo Vicofa, thị trường nhập khẩu cà phê của Việt Nam niên vụ này đã có sự “đổi ngôi”. Đức đã vượt qua Hoa Kỳ (chiếm 8%  thị phần) trở thành thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam (chiếm 10% thị phần).
Trong niên vụ 2012 – 2013 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu được 19 triệu bao, giảm 10,5% so với niên vụ trước. Trong tháng  đầu tiên của niên vụ 2013 – 2014 (tháng 10/2013), Việt Nam xuất khẩu ước đạt 58.000 tấn, giá trị kim ngạch đạt 119 triệu  USD, giảm 8,7% về lượng và giảm 12,4% về giá trị so với tháng trước.
Theo đó, lũy kế xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm 2013 ước đạt 1,09 triệu tấn với trị giá 2,33 tỷ USD, giảm 24,6% về khối  lượng và giảm 24,4% về giá trị so cùng kỳ năm 2012.Dự báo niên vụ 2013 – 2014, do ảnh hưởng của thời tiết nên sản lượng  cà phê của Việt Nam có thể giảm khoảng 15% so với niên vụ trước. Châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của  Việt Nam.
Để giữ giá cà phê có lợi cho Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần tăng sản lượng tạm trữ lên từ 300.000 – 500.000 tấn thay  vì chỉ 200.000 tấn như hiện nay và thời gian tạm trữ nâng lên 6 tháng.


Sưu tầm.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà Phê Tây Nguyên Designed by Templateism | MyBloggerLab Copyright © 2014

Hình ảnh chủ đề của richcano. Được tạo bởi Blogger.