Giải pháp nào cho xuất khẩu cà phê?
Theo dự báo của Bộ Thương mại, giá cà phê thế giới trong tháng 10/2004 tiếp tục dao động xung quanh mức giá thấp hiện nay, vì thị trường cà phê đang dư thừa nguồn cung trong khi nhu cầu thế giới tăng rất chậm, chỉ vào khoảng 1%-2%/năm. Ở trong nước, giá thu mua cà phê cũng sụt giảm mạnh.
Tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, cà phê vối loại 1 giảm từ 300 đồng - 400 đồng/kg so với tháng trước, giá xuất khẩu bình quân trong tháng 9/2004 cũng giảm 3,21% so với cùng kỳ 2003. Bộ Thương mại cho biết do các nhà xuất khẩu còn chờ tin tức của thị trường thế giới nên giá cà phê trong nước tháng 10/2004 tiếp tục xu hướng giảm nhẹ.
Các nhà phân tích cà phê dự đoán rằng thị trường cà phê thế giới sẽ bị vượt trội 5,38 triệu bao vào cuối vụ mùa 2003-2004 do sản lượng tăng sau khi bị thiếu hụt ở mức kỷ lục 8,2 triệu bao ở mùa vụ 2002-2003. Giá cà phê xuống quá thấp liên tục trong suốt tháng qua (giá mua vào dao động ở mức 8.200-8.800 đồng/kg, giá xuất khẩu đứng ở mức 565-580 USD/tấn) khiến một số doanh nghiệp và đại lý cà phê đã mua vào với mức nhỏ giọt.
Trong khi cả nước hiện còn khoảng 50.000-70.000 tấn cà phê, nhưng chất lượng không cao do đã vào cuối vụ thu hoạch. Dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục rớt mạnh khi Việt Nam bắt đầu vụ thu hoạch mới trong tháng 10/2004. Nguồn cung cà phê niên vụ 2004-2005 của Việt Nam dự báo sẽ tăng 14,4% so với niên vụ trước cũng góp phần làm giá cà phê giảm nhanh trên các thị trường giao dịch.
Nhiều nỗ lực, nhưng vẫn lắm rủi ro Trong bối cảnh lượng tiêu thụ thấp hơn mức cung, để gia tăng tính cạnh tranh của cà phê Việt Nam, nguồn tin từ Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cho phép Ngân hàng kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thực hiện thí điểm giao dịch hợp đồng cà phê tương lai (future contract) trên thị trường cà phê thế giới. Theo đó, Techcombank được thí điểm giao dịch với tư cách là nhà trung gian môi giới trong thời gian một năm.
Techcombank sẽ mở tài khoản trong nước cho các doanh nghiệp giao dịch cà phê trên thị trường kỳ hạn thế giới, thay vì các doanh nghiệp phải mở tài khoản giao dịch ở London (Anh). Sau 1 năm thí điểm, Vicofa sẽ cùng ngân hàng tiến hành các bước tiếp theo để các doanh nghiệp tham gia thị trường giao dịch cà phê kỳ hạn (Forward Market) trên thế giới.
Theo Chủ tịch Vicofa - ông Vân Thành Huy, giao dịch kỳ hạn sẽ được các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đưa vào áp dụng trong niên vụ cà phê mới 2004- 2005 nhằm góp phần ổn định giá cà phê xuất khẩu. Vicofa cũng thành lập tổ nghiên cứu về giao dịch kỳ hạn cà phê, cử một số doanh nghiệp tham gia thử tại sàn giao dịch London. Mặc dù có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra các giải pháp điều hành từ cấp quản lý Nhà nước, nhưng ghi nhận thực tế tiếp tục cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Nguyên nhân là do tình trạng bán hàng không theo giá chốt ngay mà thường để chốt giá sau. Khi chốt giá sau, trong trường hợp có biến động bất lợi, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận bán với giá thấp hơn giá mua vào, dẫn đến thua lỗ. Trong nhiều trường hợp, để tránh lỗ, các doanh nghiệp xuất khẩu yêu cầu gia hạn thời gian giao hàng, nhưng việc kéo dài thời hạn rất hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tình trạng giao hàng chậm hoặc bỏ hợp đồng xảy ra khá nhiều trong thời gian qua.
Theo Vicofa, Hiệp hội đã nhận khá nhiều văn bản từ các công ty nước ngoài khiếu nại các doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện đúng hợp đồng, gây tổn thất cho khách hàng. Giải thích về tình trạng trên, một quan chức của Vicofa cho rằng hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê đều yếu kém về tài chính, không có khả năng buôn bán lớn; khả năng và kinh nghiệm ứng phó với những biến động trên thị trường còn hạn chế nên dễ rơi vào thế bị động.
Xuất hàng tinh chế mới là giải pháp mới Một hướng đi mới đang được nhiều doanh nghiệp ở vương quốc cà phê Buôn Mê Thuột hưởng ứng là xuất khẩu cà phê tinh chế. Giám đốc Công ty cà phê Thắng Lợi (huyện Krông Pak, Đắk Lắk) Nguyễn Xuân Thái cho biết, một vườn cà phê arabica 300ha trồng theo công nghệ sạch (không bón phân vô cơ) ở độ cao 1.200m trên đỉnh núi Ngọc Linh (tỉnh Gia Lai) đã được Thắng Lợi đầu tư chăm sóc để dành riêng chế biến cà phê bột Núi Xanh xuất khẩu.
Một thương hiệu cà phê bột nữa cũng của Thắng Lợi là Victoria, được rang xay từ những hạt cà phê robusta ngon nhất sản xuất theo công nghệ chế biến ướt của công ty. Hiện cà phê bột Victoria xâm nhập thị trường nội địa khá tốt với giá 30.000 - 32.000 đồng/kg. Dây chuyền tự động rang xay, đóng gói cà phê bột trị giá 2 tỉ đồng đã được Thắng Lợi đầu tư để sản xuất mặt hàng mới.
Một "đại gia" đứng đầu về sản lượng xuất khẩu cà phê nhân của Đắk Lắk là Công ty Đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên (Cà phê Tây Nguyên) cũng vừa xông vào "trận địa" cà phê bột. Giám đốc Vũ Đức Tiến giới thiệu cà phê mang thương hiệu Việt Nam Coffee và tiết lộ: "Chúng tôi học theo công nghệ tinh chế cà phê của châu Âu. Đó là màu nâu nhạt tự nhiên của hạt cà phê rang, không đậm đen".
Ông Tiến bày tỏ ý muốn tạo một gu thưởng thức cà phê mới cho người tiêu dùng, khác với gu đậm đen, đặc. Ông chấp nhận lỗ mấy năm đầu cho cà phê bột thâm nhập thị trường nội địa. Thương hiệu cà phê bột mới của Công ty cà phê Phước An (huyện Krông Pak, Đắk Lắk) Cada Coffee chính là lấy từ tên một trong những nơi được người Pháp chọn để trồng cà phê sớm nhất tại Đắk Lắk: đồn điền Cada (hiện là rẫy cà phê của công ty).
Với vườn cà phê 2.000ha và dây chuyền chế biến hạt cà phê theo công nghệ chế biến ướt hiện đại, Phước An có nhiều lợi thế trong việc chủ động chọn lựa những hạt cà phê chất lượng tốt nhất cho việc chế biến cà phê tinh chế. Phước An còn có cà phê hòa tan với thương hiệu Netcafe Cada. Chính thức có mặt trên thị trường trong nước từ tháng 2/2004, giá bán lẻ của Cada Coffee là 32.000 đồng/kg.
Sinh sau đẻ muộn, nhưng Phước An vẫn tự tin bước vào các hệ thống siêu thị lớn như Maximark, Co-op Mart... Tận dụng lợi thế đã xuất khẩu cà phê nhân lâu năm, các doanh nghiệp ở Đắk Lắk định hướng bán ra thị trường nước ngoài ngay từ khi thai nghén sản phẩm cà phê bột của họ. Nghiên cứu thấy rằng người Nhật rất thích cà phê chế biến từ hạt cà phê trồng theo công nghệ sạch,
Thắng Lợi xác định đây là hướng đi riêng để đưa cà phê tinh chế sang Nhật. Cà phê bột chế biến từ hạt cà phê arabica của Công ty Thắng Lợi còn có loại túi lọc tiện lợi cho pha chế cà phê theo phong cách tiết kiệm thời gian và mùi vị hợp với gu thị trường châu Âu, dành riêng xuất sang thị trường này. Giá chào bán cũng thuộc loại cao cấp: 100.000-120.000 đồng/kg cà phê arabica bột. Còn cà phê hòa tan Netcafe Cada của Công ty cà phê Phước An đang chuẩn bị sang Nga với lô hàng đầu tiên 24 tấn.
Theo Vneconomy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét