Cà Phê Chứng khoán hàng hóa nông sản hồi sinh, giá vàng đột biến sau quyết định của Fed
Quyết định không tăng lãi suất trong cuộc họp vừa kết thúc và cho biết, đợt tăng lãi suất lần tiếp theo có thể diễn ra vào cuối năm của Fed giúp chứng khoán hồi sinh sau 3 phiên giảm liên tiếp, trong khi giá vàng tăng dựng đứng về cuối phiên.
Đúng như dự đoán, trong cuộc họp kéo dài 2 ngày, kết thúc vào chiều thứ Tư (16/3) theo giờ địa phương, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định không tăng lãi suất. Cơ quan này cho biết, tăng trưởng kinh tế vừa phải và “thị trường lao động mạnh mẽ” là yếu tố cho phép thắt chặt thêm chính sách tiền tệ trong năm nay. Các dự đoán cho rằng đợt tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối năm, nhiều người dự đoán là tháng 12.
Phát biểu trong buổi họp báo sau cuộc họp, bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed cho biết, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro từ sự không chắc chắn của kinh tế toàn cẩu, do đó “Ủy ban đánh giá thận trọng để duy trì lập trường chính sách như hiện tại trong cuộc họp này”.
Việc Fed duy trì chính sách tiền tệ đúng như dự đoán của giới phân tích và nhà đầu tư, nhưng giọng điệu của Fed khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhất là dữ liệu vừa công bố cho thấy, lạm phát cơ bản của Mỹ trong tháng 2 tăng cao hơn so với dự kiến.
Sau thông tin trên, thị trường đã bật tăng trở lại sau chuỗi phiên giảm nhẹ liên tiếp đầu tuần, trong đó chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2016.
Kết thúc phiên 16/3, chỉ số Dow Jones tăng 74,23 điểm (+0,43%), lên 17.325,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,29 điểm (+0,56%), lên 2.027,22 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 35,3 điểm (+0,75%), lên 4.763,97 điểm.
Sự hồi phục mạnh của giá dầu thô đã giúp chứng khoán châu Âu tăng khá mạnh trong phiên thứ Tư. Tuy nhiên, về cuối phiên, khi dữ liệu lạm phát cơ bản của Mỹ trong tháng 2 tăng hơn dự kiến, khiến giới đầu tư lo ngại Fed sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp kết thúc sau đó vài giờ, nên đã đẩy mạnh bán ra, hãm đà tăng của chứng khoán châu Âu vào cuối phiên.
Kết thúc phiên 16/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 35,52 điểm (+0,58%), lên 6.175,49 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 49,56 điểm (+0,50%), lên 9.983,41 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 9,63 điểm (-0,22%), xuống 4.463,00 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, nhà đầu tư chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed khiến cấc chỉ số trong khu vực giao dịch thận trọng. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm khá mạnh khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho biết, có thể sẽ giảm lãi suất xuống -0,5%/năm và điều này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của các ngân hàng, khiến nhóm cổ phiếu này giảm khá mạnh trong phiên thứ Tư, tác động tiêu cực lên chỉ số Nikkei 225.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại diễn ra kịch bản trong suốt tuần khi lình xình theo xu hướng giảm suốt phiên, nhưng lại đảo chiều tăng nhẹ vào cuối phiên.
Kết thúc phiên 16/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 142,62 điểm (-0,83%), xuống 16.974,45 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 31,15 điểm (-0,15%), xuống 20.257,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 6,06 điểm (+0,21%), lên 2.870,43 điểm.
Trên thị trường, đang lình xình quanh mốc 1.230 USD/ounce trong suốt phiên Á, Âu và gần như cả phiên Mỹ để chờ đợi kết quả cuộc họp của Fed, giá vàng đã vọt tăng dựng đứng hơn 30 USD/ounce vào cuối phiên khi kết quả cuộc họp được công bố với việc Fed giữ nguyên lãi suất như dự báo. Ngoài ra, việc cơ quan này đưa ra giọng điệu “bồ câu” với chính sách tiền tệ dù lạm phát cơ bản của Mỹ tăng hơn dự kiến cũng tạo ra sự phấn kích đối với nhà đầu tư trên thị trường vàng.
Kết thúc phiên 16/3, giá vàng giao ngay tăng 30,3 USD (+2,46%), lên 1.262,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 1,2 USD (-0,1%), xuống 1.229,8 USD/ounce. Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên châu Á sáng nay (17/3), giá vàng tương lai giao tháng tư đã vọt tăng 29,6 USD/ounce (+2,41), lên 1.259,4 USD/ounce.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô đã tăng vọt trong phiên thứ Tư, lấy lại hết những gì đã để mất trong 2 phiên giảm liên tiếp vừa qua. Giá dầu thô tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Tư khi các nhà sản xuất lớn đồng ý gặp nhau tại Doha, Qatar vào ngày 17/4 tới để bàn về việc đóng băng sản lượng. Trong khi đó, kho dự trữ dầu thô của Mỹ chỉ tăng 1,3 triệu thùng, nhỏ hơn rất nhiều so với dự đoán trước đó, theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Cơ quan này cũng cho biết, nhu cầu xăng của Mỹ trong 4 tuần qua cũng tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Kết thúc phiên 16/3, giá dầu thô Mỹ tăng 2,12 USD (+5,51%), lên 38,46 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,59 USD (+3,94%), lên 40,33 USD/thùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét